Nhạc Rừng


Kể chuyện..tháng ba!

Ngày xưa, Nguyenmk có viết một tiểu truyện để làm báo tường, lúc đó còn trong đội ngũ của TNXP xây dựng vùng kinh tế mới. Bài viết bị khước từ, bởi chính trị viên đại đội anh Đinh thanh Long. Người gốc Hoa, anh ta phê phán là: ” nặng tiểu tư sản” và trùng tên với nhạc phẩm của nhạc sĩ Hoàng Việt..giá như anh chê không hay có lẽ ít buồn hơn. Bởi cái cụm từ “Tiểu tư sản” ở những năm cuối thập niên 70 rất dễ bị triệt từ nhiều mặt sống dưới chế độ mới. Những ngày đầu còn chưa quen, thường nhớ lịch kỷ niệm ngày cũ ngày 26/03 Người Cày Có Ruộng, bổng hóa thành ngày gieo “giống đỏ” (ĐTNCS) có lúc bị kiểm điểm nặng nề vì gọi nhầm 😄😁.
Nhân đây, mời các thân hữu xem tiểu truyện đã ém nhẹm suốt 43 năm

Nhạc Rừng

“Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận, trùng trùng đoàn quân tiến bước theo…” Quốc Giao vừa cắt cỏ tranh, vừa hát nghêu ngao, anh có dáng người đầy đặn, nở nang, cao ráo, giọng nói trầm nhưng không đục, chất giọng người miền nam nói nhẹ nhàng, tánh tình hiền hòa, ấy vậy chứ mà năng động lắm. Anh cất tiếng hát điệu quân hành hùng tráng thì khỏi chê luôn, tóc lúc nào cũng bồng bềnh phía trước trán, nước da ngâm ngâm cỏ rán, khuôn mặt gầy xương, nhưng lại có nụ cười đầy thật đẹp và ánh mắt sáng như sao khuya, nhìn ai thì cứ như muốn hút hồn vậy. Anh đang lui cui cắt cỏ tranh, là người sống đô thành chưa lần tay lấm bùn chân bám đất, vậy mà điệu bộ cắt cỏ trông sành sỗi như nông dân cắt lúa. Tay quơ, tay cắt cỏ tranh, còn chân thì cứ gạt lùa gom lại phía sau thành đống, thật nhịp nhàng như máy.
Cánh đồng tranh bao la, nhìn ngút ngàn, nằm gọn lỏn bao quanh bởi rừng già ở vùng đất có tên gọi Bù Nho, trong địa giới tỉnh Bình Long, nơi đây đã từng có nhiều cuộc giao tranh khốc liệt ghi vào chiến sử của đôi bên và cũng chịu đòn khá nặng của đạn bay, bom rơi. Những quả bom chưa nổ, mìn chưa tung còn lây lất khắp nơi, thỉnh thoảng có tiếng nổ vang dội làm thức giấc cánh rừng già, nơi cũng được cho là vùng “Khỉ ho, cò gáy” Khỉ thì thấy, chứ cò tìm chẳng thấy bóng đâu. Liên đội Kiên Gan thuộc “Lực lượng Thanh niên Xung phong” đi xây dựng vùng kinh tế mới miền đông, đóng quân ở xã Minh Thạnh, lực lượng nầy có nhiều liên đội mang tên như Kiên Quyết, Kiên Cường, Quyết Thắng, Quyết Tiến và Quyết Tâm tất cả đóng không xa cách nhau chừng 5km. Mục tiêu chủ yếu là xây nhà theo từng lô mỗi lô hai mươi lăm căn, chỉ tiêu năm trăm lô cho ba xã Minh Thạnh, Minh Long và Minh Hưng. Trở lại đồng tranh, cỏ tranh cao ngất ngưỡng gần qua khỏi đầu người có tầm cao trung bình chừng một thước sáu, lá có răng cưa chạy dọc hai bên, rất bén dễ xước tay, rạch da chảy máu, thậm chí làm hư luôn áo quần, vậy mà Quốc Giao cứ như loài gặm nhấm, chẳng đến một giờ đã đủ số chỉ tiêu cho một buổi sáng, anh còn cắt dư ra thêm một bó cho Thiên Bảo, lưng áo anh đã ướt đẫm mồ hôi.
Nói về Thiên Bảo, anh ta có dáng người roi roi, nhưng cứng xương chắc thịt, gương mặt rất nam tính, cái tính nam của người thân thiện, chứ không cộc lốc, nghiêm khắc. Anh có đôi mắt rất đa tình, đen thẫm và đôi môi mỏng ẩn cái màu nhạt hồng vừa chín ổi, khác với mái tóc của Quốc Giao, thì tóc anh như cọng chổi thẳng đuột, chỉa lung tung, phần trước trán như cái mái hiên. Từng cơn gió lướt trên ngọn cỏ làm nên những đợt sóng mịn như nhung, lấp lánh khi xanh màu mạ, khi vàng màu chanh và vào những lúc gió đổi chiều hay khi nắng rực lên thì đồng tranh như một tấm lụa vàng óng ả một vùng, nhìn đẹp đến ngây người. Thiên Bảo đứng nhìn quanh quất, thỉnh thoảng như lắng nghe giọng hát lẫn khuất trong cỏ tranh lao xao và cũng không xa lạ gì với tiếng hát của Quốc Giao, vì cả hai đã từng cùng ở ban văn nghệ chi bộ đoàn phường Bàn Cờ. Cột lại cỏ tranh vừa cắt xong thành từng bó lớn để chuẩn bị gánh về láng trại, Thiên Bảo nghe lời của một bài hát một thời tưởng chừng như là thể “dân ca” riêng cho các nhóm phong trào sinh viên, học sinh và cả hướng đạo ” ..Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng, nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương..” cầm lấy thanh cây Mai làm gậy đòn gánh cỏ, anh rón rén bước gần đến chỗ Quốc Giao đang lui cui cột cỏ, anh đập mạnh xuống nền đất liên hồi vừa la: “Rắn, rắn, có rắn” Quốc Giao nhảy bật người qua lại, quay nhìn chung quanh một hồi mới hoàn hồn, liền ném một bó rễ tranh đã cột chặt vào ngực của Thiên Bảo rồi luôn tiếng cự nự
– Anh có máu ba trợn hả! Mắc dịch, thiên binh nhập anh rồi chắc?
– Thiên Bảo nhập chứ không phải thiên binh, rồi anh ngắt nghẽo cười mà hai tay còn ôm chặc bó rễ tranh trên ngực. Cả hai cùng cười sau đó, rồi ngồi xuống bên nhau, Quốc Giao đưa ngón tay chỉ bó tranh cắt dư ra cho Thiên Bảo, rồi nói:
– Ngày mai anh chỉ cắt thêm một bó thôi là đủ số.
– Mày làm cũng phải biết dưỡng sức chứ, anh tuy cắt chậm nhưng cũng đủ chi tiêu giao trong ngày thì được rồi.
– Anh không cám ơn, mà còn nói nữa, tui thấy anh cắt chậm sợ không kịp chỉ tiêu mới phụ đó mà.

Quốc Giao nói xong quay mặt xuống đất, lấy ngón tay ngoáy sâu cố moi lấy được rễ tranh lên, xong tuốt sạch lớp rễ con rồi đưa vào miệng nhăm nhăm lấy chất ngọt.
– Ừ! Thì cám ơn, anh chỉ lo cho mày thôi, lỡ ngã bịnh ở nơi rừng thiêng nước độc nầy.., liệu có thuốc men nào trị nổi hông. Thiên Bảo nói như dạy em
– Thôi đi anh ơi! Lo gì chớ, lúc nào trời kêu thì dạ. Ổng gởi cái họa, rồi thì ổng trả cái may..(ngừng giây lát rồi nói tiếp). Em có một mớ rễ tranh nè, để chiều nấu nước uống cho mát.
– Uống mấy cái thứ nầy nhiều dễ sanh bịnh nhức lưng lắm đó đừng tưởng nó có lợi… mà ham. Người ta nấu nước uống khi rễ Tranh được phơi khô, mà còn kết hợp một vài thứ khác nữa mới tốt
– Anh lại sợ chết nữa!
Thiên Bảo ngắt lời
– Chết..! Chết thì nói làm gì chớ, bộ mày tưởng chỉ có vậy thôi sao? Mày bịnh nằm liệt giường báo hại cha mẹ mới đáng nói.( Thiên Bảo gắt gỏng nói)
Quốc giao cười giả lã, ngắt lời
– Em biết rồi! Làm gì găng dữ vậy.. mà anh có khóc nếu em chết hông vậy?
Quốc Giao cười lấy để sau câu nói ấy, còn Thiên Bảo thì cứ như bị cụt hứng, liếc mắt nhìn, anh đặt bó tranh xuống đất
– Mày điên vừa thôi.. chuẩn bị gom tranh ra tập trung rồi về trại kìa.. À! Mà Mày có nhớ nhà chưa Quốc Giao? Thiên Bảo đứng dậy, vặn người qua trái phải, ưỡn ngực ra phía trước, hai bàn tay ép mạnh cột sóng lưng nghe rôm rốp, nhìn xuống đưa tay ra như để kéo Quốc Giao đứng lên
– Nhớ từ hôm tháng đầu tiên..khi vừa tới đây, cũng may là còn có anh.. vui thì quên, buồn lại nhớ
Ngước mắt nhìn lên, Quốc Giao đưa nắm lấy cổ tay Thiên Bảo cố đứng dậy, phủi đít quần vài cái xong anh kéo nhẹ áo xuống cho thẳng thóm, tay kia vẫn còn nắm lấy bó rễ tranh, anh xỏ vào túi quần cẩn thận. Thiên Bảo thì lấy thanh cây Mai xiên vô hai bó cỏ, một bó còn lại thì anh dựng đứng khi nào đi thì vác lên vai cho dễ.

*****@@@*****
Tiếng kẻng gõ nhịp liền ba hồi, loại bằng ống đạn đồng 105 ly âm thanh khàn đục mà cũng đủ vang vọng giữa cánh đồng, báo hiệu tập trung. Từ trong đồng cỏ loi ngoi đầu người từ mọi hướng đang di chuyễn dần ra lối mòn, những nam thanh nữ tú trong bộ đồ xanh lá cây, đội mũ tai bèo, từng người gánh tranh trên vai, vừa bước đi vừa hát vang bài ca Lên đàng: “.. Đoàn ta hiên ngang nề chi chông gai lên đàng, ta người Việt-Nam. Nhìn tương lai huy hoàng đoàn ta bước lên đàng, cùng hiên ngang hát vang..”

Thiên Bảo cao hơn Quốc Giao, lại sãi bước chân nhanh nhẹn hơn làm cho khoảng cách hai người xa dần. Quốc Giao thì lúc đi, lúc như chạy để kịp song song với Thiên Bảo, vừa thở hổn hểnh vừa nói
– Bộ anh mắc cầu lắm hả, sao đi nhanh dữ vậy? Bỏ xa đồng đội cả mấy thước!
– Đi nhanh tới chốt sớm thì nghỉ được thêm lâu, chứ mắc ỉa gì mậy!

Anh nói xong thì vỗ đầu Quốc Giao như một động tác ưu ái rồi hỏi
– Hôm bữa con Thùy Hương có hỏi anh về mầy, có lẽ nó thích và muốn làm quen. Mầy chịu nó không anh nói giúp cho?
– Thùy Hư..ơng.. là ai vậy?
– Mầy cũng biết giả đò dữ há, con nhỏ thường hát bài “Lê anh Nuôi” suốt ngày bên C4 đó, biết chưa?

Thùy Hương có dáng người tròn trĩn, cao chừng một thước năm mươi lăm, nước da trắng mịn như phô-mai Pháp, mắt thì lại rất đẹp to đen như hạt nhãn. hai mí lông nheo ngắn thẳng đuột như mắt nai, sóng mũi lại thon gọn tuy không cao lắm, vành môi cũng tròn, chẳng thoa son mà vẫn đỏ như Mận. Cô cắt tóc ngắn cúp ôm từ sau ót ra tới phía trước dưới quai hàm, theo kiểu mái tóc của ca sĩ Phương hoài Tâm, tánh người vui vẻ, đầy năng động và thích hát nghêu ngao những bài ca vui tươi yêu đời.
Bị hỏi quá bất ngờ Quốc Giao sượng ngượng, ngập ngừng vài giây, Thiên Bảo thấy vậy bồi thêm
– Chịu đi! Nó nuôi mầy khỏi lo đói, anh thấy nó giỏi chuyện thêu thùa, bếp nút. Ngày mai các đại đội trưởng của liên đội họp lên kế hoạch chỉ tiêu mới, anh nói vô cho
– Anh muốn bị phê bình hay là anh tự kiểm điểm vậy? Quốc Giao hỏi móc
– Ê! Đừng có nói rồi đem vô họp tổ làm thiệt nha mậy.. anh thấy Thùy Hương cũng có duyên, nết na…
– Thì anh ưng cô ấy đi. Quốc Giao nói ngắt lời xong thì sãi bước chân nhanh hơn như để vượt lên trước dẫn đầu, Thiên Bảo thấy vậy vói tay níu gánh cỏ từ phía sau, anh nói với theo
– Mầy hổng chịu, anh hết được ăn cơm cháy tép mỡ hành, còn nữa cuối tuần cũng bị nhịn ăn chè bên C4 đó
– Cái mặt anh tham ăn thấy sợ, ăn vậy mà sao hổng mập cũng ngộ ghê!

Phía trước chỉ còn chừng trăm thước thì tới chốt nghỉ, chốt nầy của đội C4 và C1 chuyên chặt tre le để làm nan đan tấm lá lợp và cây dựng nhà, chưa tới mà đã nghe tiếng hát Thùy Hương lanh lãnh cũng vẫn là bài hát quen đến từng lời: “🎼🎵🎶🎵Nay! Dẫu còn gian khổ, mồ hôi ta đổ🎵🎶🎵.. làm nương phá rẫy, giữ lấy đất quê hương.🎶.. người hậu phương tiếp lương gùi đạn..🎵🎵ta bên bạn là bạn bên mình, cùng đồng tình là giặc thua ta…🎶🎵tiếng nói ríu ra, lời ca trong vắt🎵nhìn trong đôi mắt đều thấy mỗi người🎶một nụ cười tin chắc tương lai..🎵” Không chỉ hát đâu mà còn nhún nhảy theo điệu nhạc trông rất dễ thương, từng bó tre được cột chặt thật kỹ chất chồng lên nhau. Từ xa đã thấy như một gò cỏ xanh mượt, tại điểm chốt nầy sẽ thay đổi nữ thì gánh tranh, nam vác tre và cây rừng làm nhà, càng đến gần càng nghe xôn xao nhộn nhịp tiếng trai gái họ hồn nhiên yêu việc đến khó ngờ, ai nấy đều ướt đẫm mồ hôi.
– Các anh đã tới rồi, mời các anh dùng nước mát nha. Nước nấu có Hà thủ Ô nè, Huyết rồng nè, Cam thảo với Đương quy nè. Bảo đảm là bổ thận mát máu, mát gan và cường.. cường..tráng nè. À! Nước uống nè rất thích hợp với anh “Thuyền xưa” lắm đó nha.
Thùy Hương vừa nói vừa ra điệu bộ “bà bành” thì bị Mỹ Hằng thúc cùi chỏ nhẹ vào hông, rù rì bên tai Thùy Hương
– Không khéo bị kiểm điểm có “tác phong tiểu tư sản” đấy nhé!

Thùy Hương vội nghiêm nghị lại. Mỹ Hằng là một cô gái bắc gốc người tỉnh Nam Định theo đoàn quân Thanh niên xung phong trong thời chiến, giờ chuyễn sang xây dựng. Cô có mái tóc mượt dài những khi buông xỏa sau lần gội đầu và hông khô bằng chiếc quạt lá cọ hình tim, thường thì cô bím tóc để thả sau lưng. Gương mặt tròn bầu không giống cái gương mặt mà người ta thường nói “Cái mặt má bầu nhìn lâu muốn chửi” nhưng lại rất dễ thương, có lẽ vì tính tình hiền thục, nói năng từ tốn, thoạt nhìn cứ ngỡ là người khó tánh nhưng lại khác, nhứt là khi cô ấy mĩm cười làm lây động nhiều con tim. Mỹ Hằng có ánh mắt sắc xảo lộ hẳn nét can trường và đầy quyết đoán, cô là cấp chỉ huy tiểu đội trưởng của Thùy Hương
– “Thuyền Xưa”? Thùy Hương có hiểu cái tên gọi nầy hông vậy – Quốc Giao hỏi
– Nghe mấy anh hay gọi đồng chí Thiên Bảo vậy mà.
Nghe xong cả Thiên Bảo và Quốc Giao cùng phá lên cười, bất chợt trong đoàn người gánh tranh cũng vừa tới, có tiếng nói phóng ra trong đám đông: “Thuyền xưa là ghe cũ đó, mà ghe cũ thì…” lập tức Thiên Bảo quay lại hỏi:
– Ê! Đồng chí nào phát biểu linh tinh đó?
Cả đoàn người cùng cười rộ lên. Từ phía sau đoàn người anh Gián Phôn bước ra lớn tiếng hô hiệu lệnh
– Các đồng chí tập hợp lại, kiểm tra đội ngũ, tuần tự báo cáo từ C1 đến C4. Tất cả điểm danh nhanh gọn.

Gián Phôn, có vóc dáng to cao, nước da ngâm màu chì, rắn rõi. Anh có giọng nói đặc biệt pha lẫn âm của người dân cao nguyên và người miền trung, không nặng đặt sệt như những người dân xứ Quảng, giọng nói của anh nghe chất chứa sự ấm áp lạ kỳ, trìu mến chẳng có chút cao ngạo, anh dung dị với mọi người không hề luận là cấp trên hay dưới, gương mặt anh hiền hậu nam phong. Sau hiệu lệnh điểm quân số, thì tất cả ai thuộc đội nào trở về theo đội mình, bốn đại đội trưởng đưa tay lên thẳng làm dấu tập hợp và mọi người cùng về trong vị trí tiểu đội của mình, tiếng người điếm số thứ tự mỗi đội nghe rộn ràng D1 đủ D2.. D3.., vui tai pha lẫn tiếng rừng xanh một thứ hợp khúc vô cùng sinh động.

– C1 báo cáo đồng chí tập hợp đủ
– C2 báo cáo đủ
– C3 báo cáo đồng chí đủ
– C4 báo cáo đồng chí liên đội trưởng đủ
– Tốt! Đại đội 1 và Đại đội 3 chịu trách nhiệm tải toàn số cây về sân liên đội. Đại đội 4 và đại đội 2 lo gánh số tranh, mong các đồng chí đôn đóc chiến sĩ hoàn tất trước thời hạn giao phó mỗi đơn vị. Tuần thi đua đầu tiên bắt đầu sau buổi lễ chào cờ ngày thứ hai, đêm nay chúng ta tổ chức liên hoan mừng thi đua. Chúc các đồng chí quyết tiến và quyết thắng.

Hàng tràn vỗ tay sau lời hiệu triệu thi đua của anh liên đội trưởng Lư Gián Phôn, sau đó cũng chính anh bắt nhịp bài hát “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” vừa hát đồng thanh mọi người đồng dốc sức lực để di chuyển vật liệu thu hoạch được rộn bước lên đường về lán trại.

Cánh rừng phía xa kia lá cũng xôn xao, vòm trời xanh và từng cụm mây trắng như bông gòn trong nắng lưa thưa bay nhè nhẹ, không thấy ai mệt mỏi với từng cơn gió lùa đưa hương rừng pha mùi cỏ tranh tươi cộng thêm cái bát ngát của cánh đồng gợn lá sóng bao quanh đẹp vô ngần, họ ca hát cười vui quên hết nhọc nhằn.

Đêm lửa trại sinh hoạt tập thể liên đội, giữa sân là một đống củi đang cháy bùng, tiếng gỗ nứt nổ lốp bốp, tiếng cỏ tranh rào rạt nghe đâu xa mấy cành khua trên ngàn, những lửa đóm tàn bay ngút lên cao như đom đóm, buổi hòa nhạc của rừng, hồng lên trong mỗi giọt sương treo.

Nguyễn Vũ Minh Nhung
(Viết cho ngày 26/3/1977)
*Ảnh cụm Lan rừng đăng trong trang đầu cuốn kỷ yếu tổng đội năm 1981

hoa Lan