Khai bút đầu năm**


Nhân sinh đáo xứ tri hà tự
Ưng tự phi hồng đạp tuyết nê
人 生 到 處 知 何 似
應 似 飛 鴻 踏 雪 泥

Hai câu thơ trên của Tô Thức, hiệu là Đông Pha (1037-1101) viết trong bài họa với người em là Tô Triệt hiệu là Tử Do bài thơ có tên là”Họa Tử Do Mãnh Trì Hoài Cựu”.

Nếu chỉ lấy câu đầu thôi, ta thấy ngay cái triết lý của ông Tô “Đông Pha” muốn nói gì: “Đời người ai biết được đi tới đâu”, tiếp câu hai thì dường như cái ý được dẫn dụ: ” Nên giống Vịt trời giẫm tuyết rã” hai câu nầy đều nói cái mù mờ của kiếp sống, khó toan tính trước việc thiên cơ. Theo tích cổ thì bài thơ hàm chỉ ý an phận, thôi chuyện tranh đua của ông khi họa với người em. Nhưng ý niệm “Nhân sinh quan” của ông chưa thoát tục, dẫu rằng qua lời biện bạch có vẻ tự thoát như hai câu thơ tiếp sau đó.

Nê thượng ngẫu nhiên lưu chỉ trảo
Hồng phi nả phục kế đông tê
泥 上 偶 然 留 指 爪
鴻 飛 那 復 計 東 西

Dấu chân vô tình in lên bùn
Vịt trời có mưu gì phải trái.

Ý ông cho là chuyện trả oán Vương an Thạch có làm được gì đâu mà lo chuyện phải trái. Song! Ông muốn minh chứng cái phù du trong kiếp “nhân sinh” nên đã lập thêm hai câu thơ như sau:

Lão tăng dĩ tử thành tân tháp
Hoại bích vô do kiến cựu đề
老 僧 已 死 成 新 塔
壞 壁 無 由 見 舊 題

Ông nhắc lại lúc đêm tá túc với bào đệ ở tịnh thất của hòa thượng Phùng Nhàn. Thấy trên vách có bút tích thơ của sư, khi đến trấn Mãnh Trì. Ông cho thấy cái ý niệm ung dung qua cách điểm thị khai tâm nầy

Sư ông vừa mất tháp xong mới
Vách mụt nào thấy được thơ xưa

Ông chỉ cái đổi thay, chẳng có gì tồn tại lâu, mới thì thấy gì cũng bền bĩ, nhưng kỳ thực chẳng giữ được lâu, nên để cho thời gian dần phai oán thù vậy. Nhưng xem ra ông còn nặng ưu tư lắm, chuyện xưa dẫu muốn quên mà lòng chưa mãn xá. Và hai câu thơ kết họa bài thơ của Tử Do (Hoài Mãnh Trì Ký Tử Chiêm Huynh Thi) ông lộ ra hẳn cái nhược khí của mình, bởi vì thù oán mà sanh cảnh người ngựa cũng khốn khổ trên đường lưu nhậm. Một phần ông cũng muốn nói với người em trai mình, cái thất thế hiện tại toan tính chuyện lâu dài chỉ họa khổ mà thôi.

Vãng nhật kỳ khu hoàn ký phủ
Lộ trường nhân khốn kiển lư tê
往 日埼 嶇 還 記 否
路 長 人 困 蹇 驢 嘶

Ngày trước lao đao đừng nhắc lại
Người khổ ngựa què khóc đường xa.
♡□○◇♡
Mấy trăm năm sau, khác với ông Tô Thức. Có lẽ ngày trước cụ Nguyễn Trãi hạ mão từ quan, lui về sơn đảo an phận, cũng đã có lần chán chê cảnh thủ thế cầu danh hơn thua chốn quan trường. Nhưng xem ra ông còn nghĩa khí của bậc trí giả hơn, không đem chuyện cũ ở quan trường mà đối đáp với Hữu Nhân, ông cũng đã dùng cái ý của hai câu thơ đầu của Tô “Đông Pha cư sĩ” mà ý tứ có phần thanh thoát và tự tại hơn, không yếm thế như Tử Chiêm (Tô Thức “Đông Pha cư sỉ”) qua cách trong bài thơ: “Họa Hữu Nhân Yên Hà Ngụ Hứng”.

Ở phần nầy, xin tạm không đăng nguyên tác của cụ. Chỉ xin trích hai câu thơ thôi.

Tâm như dã hạc phi thiên tế
Tích tự chinh hồng đạp tuyết sa.
心 如 野 鶴 飛 天 際
跡 似 徵 鴻 踏 雪 沙

Lòng như Hạc đồng tung trời vô định
Tựa chim Hồng* giẫm cát trắng in

Rõ ràng, ông muốn gởi cái thông điệp thoái vị nhàn hạ của mình, nhưng đó không hẳn là giải thoát cảnh giới của bậc hạnh chân tu thoát tục, mà chỉ là một thoáng “công hầu, danh tướng” thăng hoa chốn sơn thủy hữu tình thôi. Kaoh vẫn thích hai câu thơ của ông Nguyễn Trãi hơn so với ông Tô Thức.

Đầu năm khai bút bài thơ nầy, không biết ai trong các bạn Kaoh có nghĩ gì chăng?

Nguyenmk

Kaoh Hmin Neugyn
ngày 3 tháng 1 năm 2019
********■●☆■●********

*chim Hồng là Vịt trời