Trả Lời cho T


“Ý thức một dân tộc không cao hơn ngọn cỏ!”

Bài viết nầy, chỉ là để phúc đáp mấy câu hỏi được nhắn qua tin riêng. Thật ra, khi đàm luận về khía cạnh chính trị cũng nhức đầu lắm, hơn nữa là bài viết thuộc dạng lập tức bị “dị ứng não trạng” của nhiều người trong danh sách Fb và thường thì né tránh. Thôi thì ai chịu thì đọc, người ta thì dễ cấm nói, chứ cũng khó cấm đọc. Trừ khi..là bị họ bịt mắt cắt bài.
Trước tiên xin lược qua vài câu hỏi của T, sau đó sẽ đi vào từng chi tiết.

1- “Giả sữ anh là T sẽ làm gì để thể hiện một người có ý thức chính trị, Xã hội và Tự cường (ở góc độ một công dân bình thường)
2- “Cái phương tiện có bảo đảm chắc chắn hay không?
3- “..Các cá nhân, tổ chức đoàn thể lưu vong, đã làm được gì sau hơn 40 năm giải phóng..”.

Phần bài dưới là để trả lời câu hỏi đầu tiên: Câu hỏi thứ nhứt, có hai phần:
a)- Đặt mình vào vị trí người khác.

Không lấy gì làm ngạc nhiên, bởi lẽ thường nghe người ta thách đổng như thế. Nhưng! Chỉ lạ ở chỗ, người có thực quyền nắm lấy trong tay lại rất ít khi thách thức như thế, giả thử nhường chỗ ngồi vào vị trí của kẻ có quyền thế xem, anh sẽ xử trí ra sao? Chắc câu trả lời còn khó gấp bội lần, bởi ở vào vị trí cầm quyền thì cần phải thận trọng khi đưa ra những quyết sách, sao cho phù hợp với lòng người. Nói làm sao cho thế nhân khỏi đàm tiếu. Người thấp cổ bé họng chịu nhiều uất ức, nan giải với quyền thế “mở miệng mắc tội” điều nầy chỉ có ở xứ “bè đảng” thôi.
Trời sanh cho người có hai cánh tay, thế mạnh yếu phải, trái mỗi bên cũng tùy người mà dùng, người thuận tay nào ắt tay ấy khỏe, cầm vật dụng “búa liềm” miễn sao có năng xuất là được, không nên ép uổng. Cũng vậy, trời ban cho mỗi người có bộ óc. Không phải ai cũng thông minh, ai cũng ngu muội. Người trí thường dụng nguyên lý mà đoạt mưu cầu, tức phải nghĩ kế để vượt lên mọi trở ngại. Người mộc mạc, không dùng trí thường chọn hữu tình mà mong đắc sự, tức luôn chờ ai đó suy xét dùm mà giúp họ. Cho nên khi thách đổng một người ” thử đứng vào vị trí của người khác xem” rõ ràng chưa nhìn ra khía cạnh ở mỗi người về cách vận dụng bộ não. Câu hỏi giả sử anh là T, rồi cho anh vào góc độ “công dân bình thường” thì hơi ép rồi. Bởi T vừa là đảng viên đương vị, giáo viên của XHCN và là công dân có hạng trong xã hội có đủ hồng lẫn chuyên, anh không thể đổi vị trí, nhưng dẫu có phải ở vị trí nào thì ý thức chính trị, xã hội và tự cường là dân một nước đều phải CÓ, bởi đó là giá trị thật nền cho văn hóa và văn minh của dân tộc ấy.

b)- Còn chuyện “anh sẽ làm gì để thể hiện một người có ý thức chính trị, xã hội và tự cường”. Đối với ý thức nầy thì công dân bình thường nào cũng làm được trong một quốc gia có nền tảng giáo dục về nhân cách, về bản lĩnh và về tinh thần cầu tiến. Đặt ra câu hỏi nầy, cũng chẳng khác nào thừa nhận đất nước, một người dân “bình thường” đã bị tước đoạt các ý thức đó rồi, cho nên mới hỏi: “anh sẽ làm gì?”. Dù vậy cũng may là dân tộc nầy còn có vài trăm nhân sĩ tạm gọi họ là những “nhà tranh đấu”. Tranh đấu thì không hẳn là phải có vũ khí, hay kế hoạch đốt đồn, diệt lính hoặc bạo loạn. Tất cả những thứ nầy còn tùy vào sự bạo ngược từ phía kẻ nắm quyền lực, mà người đời có câu ngạn ngữ: “tức nước ắt vỡ bờ”.

Tranh đấu để tạo dựng nền tảng ý thức quyền hạn ắt có và đủ của một công dân bình thường, đây là ý thức chính trị. Ý thức chính trị của mỗi một công dân bình thường phải hoàn toàn được tôn trọng theo duy chí tự do chứ không phải độc tôn. Bởi vì ý thức chính trị trên mỗi một công dân chính là tầm thước độc lập và tự chủ của dân tộc đó. Vậy! Thì đã có câu trả lời anh sẽ làm gì.

Còn về ý thức xã hội. Đây là vấn đề tiên khởi cơ bản, được gầy dựng từ nhiều tập hợp gia đình, từ những nguyên tắc nhỏ, gò nắn, khuôn mẫu từ các thành viên trong gia tộc. Cách ăn, cách nói, thái độ khiêm cung, nghĩa cử hòa nhã, trong nhà thì thanh tao, ra ngoài lịch lãm v.v.. xã hội bây giờ mấy điều nầy còn thấy được chỉ là thiểu số, từ sau cuộc “cách mạng giải phóng dân tộc” hệ lụy của sự háo thắng sang bằng giai cấp và điên cuồng chuyên chính cộng sản, làm cho đạo đức gia phong bị liệt vào hạng kẻ thù của đạo đức cách mạng, một thể loại đạo đức sát phạt và đấu tố, không khoan nhượng bất luận gia đình, dòng tộc.

Cái “ý thức” xã hội bây giờ là mớ hỗn độn nhầm lẫn giữa tự do và vô lối. Sống lấy sống để, ngổn ngang sống mặc nhiên với hàng vạn điều phi lý, kim chỉ nam cho sự sống lành bằng một mệnh đề: “khẩu thiệt hại thân” song song với mệnh đề ấy là một thứ châm ngôn: “Đói ăn chưa no, chớ lo việc nước”

Nhìn vào cái xã hội ô hợp cho dù trong đó vài trăm người quy cũ và những người ấy cũng chẳng thể làm thay đổi được gì, thì đánh giá chung cái cho ý thức xã hội đó, có gì sai. Khi T đặt câu hỏi “Anh sẽ làm gì” để thể hiện người có ý thức xã hội ở góc độ một công dân bình thường” một vị trí như vậy thì có thể hiện tốt cũng có gì đáng để nói. Nhưng, đứng vào vị trí nhà giáo, đảng viên và là một công dân có hạng để thể hiện, xem ra còn có điểm đáng nói..không được vinh danh bởi kẻ cầm quyền, thì vị ít cũng được danh thơm trong bá tánh.

Tóm lại, khi ý thức về chính trị, xã hội của con người trong một nước bị tước đoạt và câm nín. Chẳng khác gì nó đã bị giết chết, vùi xuống mộ sâu. Thì ý thức của dân tộc ấy có cao hơn ngọn cỏ?

“Hơn 40 năm, Người Việt lưu vong đã làm được gì cho đất nước?”

Không chỉ có T đặt ra câu hỏi: ” Các tổ chức lưu vong người Việt đã làm được gì cho dân tộc sau 40 năm giải phóng?”

Để trả lời xác đáng câu hỏi nầy, thật không phải dễ và cũng chẳng phải là khó lắm. Không dễ! Vì anh không nằm trong các tổ chức “phản động” cách gọi mà cả chính em cũng thầm thừa nhận, chứ không riêng gì tập đoàn nhà nước đương quyền vẫn áp đặt như thế. Em lập luận mang tính cáo buộc, chẳng hề khác những gì nhà nước cai trị nói, họ trút mọi tội lỗi vào một cộng đồng bị phân tán lưu vong trên khắp thế giới, không có thực lực về quân sự, chính trị, lãnh thổ và cả về lực lượng. Cộng đồng và các tổ chức chính danh hải ngoại, chỉ để phục vụ và tưởng nhớ những gì tốt đẹp đã hình thành nên cái văn hóa miền nam và các anh hùng, tử sĩ và quân dân cán chính đã từng chung vai gánh vác non sông cùng chính thể VNCH.

Khi em (T) dùng lời lẽ như oán trách: “Những người trót tin vào tổ chức chống lại nhà nước CS, phải chịu đau thương, oan ức, tù tội. Ba đời nhà họ ngốc đầu không nổi với chế độ, khi mang tội danh phản động”. Xưa những người trót tin vào chế độ CS cũng như không tin, không hợp tác với CS cũng phải bị nhiều vô số đau thương, oan nghiệt và bây giờ cũng vẫn thế. Chế độ luôn xem dân như ung nhọt, mọi đòi hỏi về quyền con người, những người bị áp bức, bị phân biệt đối xử từ tôn giáo, lý lịch nhân vị và chính kiến đều bị kết tội là: “Những thế lực thù địch”. Không ai lôi kéo những con người ấy vào con đường lao lung cả, chính chế độ đã gầy bẩy tự dựng các phong trào kháng chiến, ngụy trá các bằng chứng “lật đổ chính quyền” trong toan tính áp đảo tinh thần người dân.
Một chế độ cực ác với chiêu thức trừng trị “ba đời ngóc đầu không nổi” thì còn chuyện gì ác hơn không làm được. Ít nhiều trong tâm khảm của T cũng đổ tội cho cộng động người Việt lưu vong gây ra bao đau thương cho người trong nước như cái “chính quyền nhân dân” đó thôi.

Em hỏi: “Các tổ chức lưu vong kêu gọi, cung cấp phương tiện để thực hiện lật đổ chế độ, họ đã thành công chưa? Sau 40 năm..” Trong thời kỳ người Pháp cai trị, có bao nhiêu cuộc kháng chiến như Yên Thế của Ô.Hoàng hoa Thám; Cần Vương của Ô. Phan đình Phùng hay Ô.Trương công Định v.v.. hẳn nhiên vào thời đó mấy vị chí sĩ nầy sẽ bị triều đình do Pháp bảo hộ gọi là “Phản loạn hay Phản động” và những người “Trót nghe” theo cũng bị liên lụy oan khiêng. Giả như! Có ai đó hỏi những cuộc nổi loạn đó gần 100 năm có thành công chưa? Chắc hồn tử sĩ năm xưa cũng phải nghẹn hờn.

Ngày nay, chế độ nầy có khác gì đang được bảo hộ bởi đảng Cộng sản Tàu, người dân không đủ hoặc chưa đủ sức phản kháng, người Việt lưu vong giúp họ phương tiện: thông tin, tố cáo giúp họ trước công pháp quốc tế, tạo áp lực lên chế độ v.v..
Người dân bị bức bách mà hành động, chứ người Việt lưu vong đâu có thể đưa người dân vào chổ chết. Mà thật ra họ không chết vì đứng lên, thì cũng chết vì uất hận có khác gì!

Sai rồi! Đừng cứ trăm dâu mà đổ đầu Tằm. Người lưu vong họ kiếm sinh nhai ở xứ người cũng ê chề và cực lắm, tạo sự nghiệp còn chưa kịp, xụm lên xụm xuống, huống hồ đi lo chuyện đẩy người trong nước đứng lên, đồng tiền của họ không mua nổi binh bị cho công cuộc “Lật đổ chế độ” đâu! Nhưng tiền của dành dụm, họ cũng chỉ để giúp gia đình, người thân hoặc giả làm từ thiện giúp người nghèo khó trong nước là cao tay.

Còn em hỏi: “Người Việt lưu vong đã làm gì được cho dân tộc..”
Trời nợ! Dân tộc của tổ tiên mấy nghìn năm, trách nhiệm an bang, tế thế đâu có thuộc về dân, mà lại là dân lưu vong. Chuyện làm được gì cho dân tộc thì phải hỏi cái đảng mà em (T) phò tá mới đúng. Xưa kia thái tử Lý long Tường kéo thê tử dân quân lưu vong sang Cao-Ly (nay là Đại-Hàn-Korea) làm nên tích sự cho xứ người, chắc hẳn cũng lắm phen liên lạc với dòng vương triều họ Lý ở Đại Việt để mưu cầu phục vị Lý đế..nếu ai đó hỏi: Ông đã làm gì được cho dân tộc. Chắc lúc chết mộ của ông lún sâu xuống mấy tấc đất vì hỗ thẹn.

Nói vậy thôi! Chứ người Việt lưu vong cũng làm nên lắm điều rạng danh dân tộc. Người có tâm ý chắc hẳn sẽ thấy, cộng đồng lưu vong đã thật sự đi vào dòng chính sử ở các quốc gia đó. Nên nhớ họ sống phân tán khắp Âu – Mỹ, họ không có chính phủ, cũng không có “cục, bộ chính trị” gì ráo, mà cũng chẳng có trung ương tình báo. Nhưng cái tinh thần quốc gia và dân tộc luôn đề cao, đã chẳng chùn bước bằng mọi giá để khóa bàn tay nham hiểm của chế độ hòng bóp chết cộng đồng, thật sự mà nói đảng CSVN đã thất bại từ lâu rồi, sau khi “Trung ương bộ chính trị” họ tuyên bố cái gọi là “đổi mới” lận. Họ nắm lấy đất nước chứ không nắm được lòng dân. Họ đã đầu hàng người Việt lưu vong trong thầm lặng khi đưa ra nghị quyết 36. Họ đã không “nhuộm đỏ” mải mai nào ở hải ngoại từ văn hóa đến chính trị. Những gì họ đã cấm đoán và cố chôn vùi đã phải lùi bước cho tất cả bừng sống lại ngay trên quê hương.

Sự ra đi và trở về của người Việt lưu vong, cả hai chuyến hành trình họ không hề mang theo vũ khí sát thương. Họ ra đi với nỗi buồn, thì trở về bằng niềm tin mong cho người dân thấy thấu suốt tấm màn bịt mắt, dối trá trong mấy mươi năm đảng thống trị. Còn chuyện đứng lên để thay đổi chế độ quyền hành, đó không phải là bổn phận của người lưu vong.

Lịch sử qua bao đời từ Tống, Nguyên, Mông, Minh, Thanh và sử Việt như: Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn. Cho chúng ta nhận thức rằng không có triều đại nào bền vững dẫu có trãi qua trăm năm và lịch sử triều đại mới sẽ được thiết lập. Khi cái thối nát phải được rửa bằng máu và nước mắt của nhân dân, cuộc cách mạng nào cũng phải có sự hy sinh. Cho nên những ai đã dũng cảm chống lại cường quyền, cho dù bị mang tội danh gì, của triều đại nào. Thì họ vẫn mãi được ghi công là anh hùng trong lòng dân tộc. Quy luật nầy thuộc về thế hệ hậu sinh và vì vậy những người lưu vong thuộc lớp tiền nhân không đất cắm dùi, lấy cái bàn đạp gì lật đổ chế độ?

Bài viết như một tâm tình, trả lời theo cái suy nghĩ của riêng và có thể là không xác đáng đại diện khối người Việt lưu vong khắp nơi trên thế giới. Anh cũng không dám sẽ cho em (T) đọc được “mãn nhản và khai trí” như em nói đâu. ĐỨNG SAU LƯNG BỨC TƯỜNG, hai bên có hai cái nhìn khác nhau, đúng sai lịch sử sẽ phơi bày.

Nguyenmk-29/02/2020

Con Co