Phụ nữ đầu đời của tôi


photo

Ngày mai, đúng ra hôm nay là ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10. Không hiểu vì sao chế độ hiện hành lại chọn ngày tháng nầy. Chứ trước kia ngày vinh danh phụ nữ Việt Nam lấy vào ngày âm lịch mùng 06 tháng 02 tri ân hai bà Trưng cũng rất gần với ngày quốc tế phụ nữ mùng 08 tháng 03 dương lịch, cho nên việc tổ chức các lễ lạc cũng không nhiều tốn kém. Nhưng thôi chuyện nầy không nằm trong tư tưởng bài viết hôm nay.
Ý là: ngày phụ nữ xin được vinh danh người Nữ

Hồi nhỏ thuở tuổi dưới 16, Nguyenmk thường đeo theo Mẹ, bà đi đâu cũng đòi theo, buôn bán cũng chạy ra tận nơi, để chỉ ngồi chơi với người, trừ thời gian học hành và sinh hoạt hướng đạo, còn rãnh rổi là chạy đi tìm Mẹ.

Đi đâu bà cũng cho theo, đi bán, đi chợ, đi chùa. Nhớ có lần người dẫn đi chợ Cũ chuyên bán chim thú ở Sài-gòn, tôi muốn một con Khỉ nhỏ, bà lưỡng lự đôi lần muốn chìu lòng con nhưng lại thôi, rồi nói khẽ “Nhà mình xài lò gas, Khỉ hay bắt chước người. Lỡ khi nó phá cháy nhà mình sao!” Nghe vậy biết mình chẳng được như ý, lòng buồn lắm, nhưng không muốn cái lo kia lớn dần, tôi gật đầu nghe Mẹ để cho cái ham thích đó trôi đi dần trong lòng mình, rồi lẫn đi với cảnh người xuôi ngược giữa phố xá.

Bà một thân nuôi chồng bệnh, tám người con. Mặc cả với cuộc đời gian truân lắm khi chua cay, có thị phi, có ganh ghét. Mẹ tôi vẫn giữ cho mình đôi chân cứng, để không phải bị quật ngã trước mọi xô đẩy, đón đưa nham hiểm của người đời và luôn tìm cách thoát cái nghèo trong danh dự của “phận đàn bà”. Mẹ làm đủ mọi nghề từ bán cá, đi buôn sang biên giới, quán ăn, quán rượu, Viện uốn tóc. Có lần dường như bà muốn làm một cuộc đổi đời “bươn chải” cho đôi vai không quằn trĩu vì gánh nặng chồng, con. Bà lao vào thương trường của giới “Thượng lưu” kinh doanh kim hoàn, để rồi phải lui chân bởi sức vốn không bì nỗi. Người lại quay về với buôn bán vải, bán giường tủ bàn ghế, ấy vậy mà cũng lo tròn vai người Vợ, người Mẹ của tám đầu con, kể cả là tròn nghĩa tình người chị khi mà các cậu đang gặp khó, bà tâm niệm “không bỏ mặt, thấy ngặt thì lo” mà lo cho tới mới thôi.

Những năm tháng tay bần, tưởng chừng kham không nổi “cán cân đạo đức”, một đàn con nheo nhóc. Có đứa đã vong thân bởi bệnh ngặt nghèo, mà thật sự là đúng nghĩa của hai chữ: “ngặt nghèo”. Nghèo từ một trận hỏa hoạn, tài sản còn lại chỉ là tro bụi cùng từng chuỗi thở dài. Còn ngặt là không thể vay mượn ai kể cả những người “trong họ”, bà cuốn lưỡi vào trong, ngậm lấy tủi phận con chết mà không lo được một buổi ma tang. Nhà nghèo đến nỗi phải dọn về ở Phú-thọ-hòa, lúc đó là những ruộng lúa và ao rau muống nước, nhà ở cạnh khu nghĩa trang, nơi có mệnh danh là “Ổ Chuột” thời đó. Đất chẳng lành! Ba đứa con lần lượt chết liên tiếp trong hai năm, nhỏ nhứt mới tròn một tuổi, còn hai đứa lớn hơn lên 3 và 4. Tôi cũng tưởng ra đi theo các em bởi căn bệnh trái rạ năm xưa rồi chứ..

Dọn nhà đi, lần nầy tạm quay về xóm cũ ở nhờ nhà người dì thứ sáu và phủi tay làm lại từ đầu. Một chút sáng lạn dần trong cuộc sống bôn ba, có ít vốn để ra riêng, trả lại cuộc sống an ổn cho người dì. Bà tìm mua được một khoảnh đất chừng năm thước ngang, bốn thước sâu, mà thật ra là một bãi rác cạnh mương cống thoát nước mà thôi.

Dựng nên căn nhà từ bỉ cực, anh em chẳng mấy ai lui tới, cho đến lúc thái lai mới biết mình còn nghe được câu: “Chào chị, thăm em”. Bà không phải người theo cách sống: “ruột bỏ ra” nên hay giúp đỡ anh em và luôn cẩn trọng ân tình người cô thứ sáu và cô thứ bảy, thường thăm hỏi biếu tài vật những khi có dịp.

Tuổi cao, giờ là lúc tấm thân đã thấm đẫm mỏi mòn, đêm ngủ rất cần xoa nắn, đấm bóp cho giảm căng thắng đau nhức và tôi cũng luôn làm điều đó cho từng đêm, có khi mình ngủ gục tự bao giờ mà tay vẫn đều bóp nắn lưng chân cho mẹ. Ngày rời nhà đi vượt biển, khi đến nơi xứ người bình an. Hễ thấy ai giống mẹ lại thương lo, đêm về ai sẽ làm công việc đó cho bà! Có lần trong trại tỵ nạn, nhìn một bà ngồi tự bóp bắp cánh tay một cách khó khăn. Tôi đã liên tưởng về mẹ mà nước mắt rơi không hay biết, thấy vậy bà hỏi:

– Sao tự dưng mà khóc vậy?
– Dạ! Nhìn dì tự đấm bóp, mà con nghĩ ở bên nhà có ai sẽ thay con đấm bóp cho mẹ được ngủ ngon hay không..(mím chặt đôi môi, cho nước mắt tuôn tự do).. dì để con đấm bóp cho, coi như con đang làm cho mẹ, để tìm chút gì vui vậy.
Đó là lần không tự kiềm được nước măt khi nhớ mẹ. Không chỉ vì nhớ..mà vì lo sợ người có được bình yên không! Bởi trước đó bà đã bị buộc tội “phản quốc vì cho con vượt biển” là “người mẹ dã tâm đem con bỏ biển” để nhận lấy nhục án 45 ngày giam, mà thực chất là họ muốn nhổ lông chân voi, lạ gì khi họ đến xin “đóng góp” mà miệng thì nói: ” Voi rụng một sợi lông mà tiếc gì!”.

Kỷ niệm tuổi thơ, quanh quẩn bên mẹ nhiều vô hạn. Bây giờ! Quanh quẩn bên người, cái vô tư tuổi thơ không còn nữa, mà là những suy tư..mẹ có đủ vui, có đủ hạnh phúc bên con cái, người có đủ thỏa mãn ước muốn hay nuốt nghẹn chờ trôi những uẫn khúc của lòng. Con có thể chưa mang lại cho mẹ niềm “hạnh phúc vô biên” , con chưa đủ bản lãnh để hóa hiện thân “đạo đức thật tướng sanh” theo cách ngôn: ” Nhất nhân chứng đạo, cửu huyền thăng”. Con chỉ mong người tìm về an lạc từng giờ tuy chưa tròn hạnh tính của người giải thoát phiền não. Thiệt khẩu bất hòa vốn dĩ xưa nay. Nhưng! chỉ cần chắc đủ vui với năm tháng đếm bước đi trăm tuổi là hạnh phước vô biên, Mẹ hả 😍😍

Tôi thường hôn bà như những khi còn bé, và bây giờ vẫn thế hôn mẹ mỗi lúc đến thăm hay ra về, luôn để mẹ cảm nhận sự mãn nguyện bình dị nhứt có thể trên môi cười. Cảm ơn mẹ với bao nhiêu năm bên con cái và nghĩ đến sự vui giúp con cái, cháu chắt. Bây giờ thì mẹ hãy tận hưởng cái hạnh phúc thật trọn vẹn nhé, thương mẹ thật nhiều. Người phụ nữ đầu đời con biết yêu thương ⚘⚘⚘

Trong bài viết hôm nay cũng xin cảm ơn các chị đã chăm sóc và huấn tập cho Kaoh từ tấm bé đến trưởng thành với sự yêu thương vô bờ bến

Nguyenmk