HIẾU ĐỂ


San Francisco 08/21/2021

Vu Lan 14/ tháng bảy/2565

Hôm nay ở Việt Nam là ngày rằm tháng bảy lịch Tăng kỳ lễ hội Vu Lan, còn bên Mỹ thì vẫn là ngày 14/tháng bảy.

Vu Lan hằng năm là dịp lớn để người sống hội tề cầu nguyện cho các vong linh siêu thăng. Cũng trong dịp nầy họ trân trọng hình ảnh người Mẹ chịu nhiều “cực hình” vì con.
Ông bà ngày xa xưa thường nói câu: “Nó biết hiếu để lắm”. “Hiếu Để” là câu từ nói của ngày xưa, thời “ngựa quen đường cũ” kìa; ngày nay mà nghe “người biết hiếu để” như vậy thì không phải vô cớ đâu, đừng có vội thầm hảnh diện, có khi là câu trách bóng gió cho nguôi lòng, nếu chịu khó mà hiểu thâm sâu, ắt phải tự nhủ với chính mình ăn ở sao cho đúng đạo làm con.

Hai chữ “Hiếu để” cái thời tổ tiên còn dùng Hán Tự là “孝 Hiếu” ý chỉ cung phụng kính người sống, trọng tế bái linh vị người chết. Chữ “hiếu” chỉ dùng cho bậc sinh thành, hoặc công người nuôi dưỡng, chứ không dùng đối với người tứ cố vô phương; thời phong kiến thì được nhắc nhiều với các đạo đức tùy, như: Trung Quân; Hiếu Phụ, vai trò người Mẹ thời đó không mấy được thiết tha và thường chỉ lo việc nuôi con; hễ con làm gì sai thì bị quy là “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” là vậy.

Người nữ trong mắt của đạo giáo Khổng; Mạnh thì dẫu có Anh thư, kiệt Nữ đến đâu cũng không vượt qua đạo “Phu xướng phụ tùy” và cái giá trị người mẹ cũng chỉ để làm “con tin” nếu phải đối đầu lựa chọn.
Còn từ Hán “底” của chữ “Để” có nghĩa là: Tận lòng, nền tảng, sâu thẳm, hay của tự mình.

Như vậy cái từ “hiếu để” người xưa dùng nói lên cái tính cung phụng, trọng dưỡng cha mẹ phải tự trong tâm tánh của chính mình mà hiện ra, chứ không phải chỉ phô diễn, hay hoa loa, miệng lưỡi. Nhưng cái chữ “hiếu để” theo cách dùng văn quốc ngữ của cha mẹ thời nay nó hàm chứa một nỗi chua xót, trách hờn nhẹ.
“Hiếu để.. đó”, một xó nào chứ thèm dòm ngó tới đâu! Chữ “để” như cất một nơi nào, lúc nhớ thì đem ra cho lên facebook, hay chuyện trò, tới ngày giỗ tiệc đãi linh đình.

Đạo Phật, nhắc nhở công khó nhọc của người Mẹ, dù cho đấng sinh thành có cư xử tệ bạt, tà hiểm đến dường nào, thì phận đã là con phải biết lẽ hiếu kính, sinh ra đời cho dù chỉ là “vai mượn” cũng đều nằm trong những căn duyên kiếp định từ trước, cho nên tùy theo cái mình đối đãi với nhau trong cái “thiện nghiệp” kiếp nầy để khai mở con đường giải thoát ở những kiếp lai sinh.

Đạo Phật (Buddhism) vốn tin có luân hồi, đạo Thiên Chúa (Catholicism), hay đạo Kitô (Christianity) thì không tin có luân hồi, họ tin có sự sống lại.
Đạo Phật tin có địa ngục, còn hai đạo kia không tin có địa ngục sau khi hồn lìa xác, mà trực chỉ về nơi nước Chúa chờ ngày phán xét. Nhưng tất cả vẫn có chung một ý niệm về sự “sám hối” hay “xưng rửa tội” cầu cho người sống lẫn người đã khuất vơi đi những đọa đày hồn xác.

Vu Lan của Phật Giáo, nghiêng về phần người Mẹ nhiều do các tích biên diễn trong kinh điển, lấy hạnh đức của người xuất gia dù đã đạt hàng Thanh văn, Duyên giác hay bồ tát hạnh cũng khó một mình mà gánh hết tội lỗi của một người. Như vị Địa Tạng, vị Mục Kiền Liên có đủ lực thần thông cũng phải nương tựa vào đại chúng lực hộ trì cho Mẹ vượt khổ ải địa ngục.

Đạo Phật chỉ ra cho thấy, cái đạo làm con thì dù thành đạt đến mức độ nào, thì cũng nhớ ơn sinh dưỡng, bất luận là ác nghiệp người đã đối xử với mình ra sao. Như điển tích phật giáo nói về người Mẹ Thanh Đề và vị sư Mục Kiền Liên vậy.

Mượn ảnh vị Địa Tạng Vương bồ tát, nhân ngày lễ Vu Lan.

Nguyenmk

Vu Lan, Phật lịch 2565

1 thoughts on “HIẾU ĐỂ

  1. Pingback: HIẾU ĐỂ – biển xưa

Bình luận về bài viết này