Thoại Thiền


Thoại Thiền

Trước tiên, xin được phép nói rõ hai chữ “thoại thiền”, đây không phải là pháp ” Thiền thoại đầu” một thủ pháp của Thiền Định theo Phật giáo. Ở bài viết nầy, cách dùng từ muốn diễn ý một vài điều trong chứng nghiệm lúc tĩnh tâm.

Tư duy của mỗi cá thể trong chúng ta thảy điều có phần đúng và cái đúng ấy cũng không minh định hoàn hảo và trường tồn cho những gì mà được xem là “Đúng” bởi từng cá thể đã trải nghiệm qua từng ý niệm, cảm niệm và cả tâm niệm. Cho nên đối với tư duy cá nhân đó là những tích lũy sự “Biết có” nó sẽ tồn tại cho đến một lúc nào đó, rồi sẽ tự hủy đi cái “nhận thức” mà khi họ có thêm già dặn kinh nghiệm hơn.

Giai đoạn sơ đẳng của ý thức hình thành từ cái kinh nghiệm nhận thức “Đúng” sang “Thật đúng” chứ không phải “Sai”. Trong vũ trụ vạn vật thể đều “Đúng” và “Hội Đủ” chứ không hề có Thừa hay Trật; ngay cả lúc chúng bị hủy diệt cũng không hề có sự “Sai/Trật”.
Đó là kể cả những vật thể có linh tánh hoặc không có linh tánh. Sở dĩ không gọi là động vật hay thực vật bởi vì có rất nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ rằng thực vật không có tánh linh (hồn ‘魂’ phách’魄’), khái niệm ấy có đúng phần nào chứ không hẳn đúng toàn diện.

Điều nầy có thể định hình được, khi mà mọi vật thể có tế bào đều có sự sống, chính ở chỗ có “sự sống” cho nên có Tánh Linh. Nhiều vật thể không cùng tần số cảm thọ được nên không thể biết các tác động hấp lực từ “Ngũ Uẩn”(Sắc; Thọ; Tưởng; Hành và Thức) giữa nhóm linh tánh nầy với các nhóm linh tánh khác, do đó các tần số nghiệp lực phản hồi (quả báo) cũng khác nhau, chứ không hẳn có sai biệt và đó là vì sao đức Thích Ca Mâu Ni đã từng tuyên huấn: “..có hằng hà sa vô lượng chúng sanh..” Vào thời Ngài còn tại thế, không biết có ai bảo ngài chứng minh điều đó không! trong bài viết nầy xin mạn phép không đi sâu các suy diễn biện giải vừa kể xa hơn nhé.

Thiền khai trí hay cách nói theo thiền môn là “Thiền Thoại Đầu” là cách để mình tự vấn nghi mở khóa các định kiến; thiên kiến sau đó chuyển lần tới phá thành kiến. Mọi kiến giải của tâm thức lúc Thiền, hành giả tự thúc cảm được đều gì chỉ có thể đúng ở tần số “Ngộ” còn hạn chế, chứ chưa hẳn là tuyệt thông. Không phải giả ảo, huyễn mị. Nhưng các bậc hành Thiền dầy dặn vẫn không xem đó là “Thật (đúng)” cũng dễ hiểu bởi các vị đó không muốn những vị thiền chiếu kế thừa bám mãi một sự chứng nghiệm tiền khởi mà dừng ở tại đó.

*Định kiến*, có thể đưa mình vào con đường không muốn thay đổi và dừng tiến thêm, bảo thủ hiểu biết, cô lập niềm tin sẽ cản trở sự thông dung của **Cảm Niệm**.

*Thiên kiến*, có thể tự hiến mình trở thành chủ động trong những mối bất minh, thiếu cân nhắc sự “đúng” ở trạng thái lưỡng nghi. Và tuy nhẹ phần hơn định kiến, nhưng nó vẫn làm giảm khai trí sự quân bình của **Ý Niệm**

*Thành kiến*, trong hầu hết vật thể có tánh linh cao nhất, còn được biết danh gọi “Người” đều chứa đựng  một lượng lớn thành kiến sẵn có trong mỗi cá thể. Nó kết tinh từ trong nhiều lần chuyển hóa lượng tử của “Lục căn” (Mắt; Tai; Mũi; Lưỡi; Tướng và Thần trí).

Thành kiến càng tăng trưởng khi mỗi cá thể có đủ điều kiện tiếp thụ từ nhiều nguồn lực tập họp mang tính “chuẩn mực” như: cộng đồng; giáo dưỡng và hệ phái. Chính vì những sự chuẩn mực đó đã làm thần khí bị giới hạn sự thấu suốt của **Tâm Niệm**

Chân phương **Thiền** là tận dụng cái tĩnh lặng để gạn lọc cho ra căn nguyên của nguyên lý *Giải Thoát*
Và đức Thích Ca Mâu Ni đã đạt thấu chân lý bởi vì Ngài đã từng giai đoạn gạt bỏ Định Kiến; tháo gở Thiên kiến và cuối cùng phá hủy Thành kiến để đến sự chứng ngộ hoàn hảo của bậc tối thắng trí.

Để kết thúc bài viết nầy, trong chúng ta có ai đã từng tự hỏi: “Vì sao, sinh linh cứ mãi đồ thán?”. Nếu đã từng, thì có bao giờ mình đã tự tìm câu giải đáp cho thỏa lòng hay tự hỏi để làm gì cơ chứ!

Nguyenmk

Tháng 9/02/2021

1 thoughts on “Thoại Thiền

  1. Pingback: Thoại Thiền – biển xưa

Bình luận về bài viết này