Mắt Mẹ Chiều Rơi


matmechieuroi

Ánh mắt của người mẹ lộ hẳn một nỗi thất vọng, từng nếp nhăn trên da đã bị thời gian cày sâu lên hình hài của người, bàn tay như cành cây khô còn nâng hứng được chút hơi sương đang rung rung nắm lấy tay con, bà nuốt từng ngụm nghẹn ngào trôi xuống cổ, như bà cũng đã từng nuốt đắng cay như thế suốt cả đời xuôi ngược vất vã cho chồng và con, nay lớp da quanh cổ ấy đã chảy dài thòng dưới cằm như cánh buồm rã mụt đong đưa không còn căng sức chịu đựng trước sóng gió của lòng người đố kỵ, hẹp hòi.

Đúng vậy! Bà không còn đủ gân cổ để la rầy, hay chống lại những lời miệt thị, đàm tếu, thách thức hay gồng mình gánh những lời buộc tội oan uổng nữa để bảo vệ danh dự, bà muốn đi đến hết cuối đoạn đường đời bằng hai cánh tay xuôi mà không cần phải co đôi bàn tay nắm lấy điều vô vị. Bà chỉ muốn giữ lại tiếng to nhỏ tụng kinh, tay lật từng trang ảnh kỷ niệm vào mỗi khi nhàn rỗi. Chất vị ngọt của đời bên đàn con, bây giờ đối với bà thật như là những viên thuốc để được trường sinh…thêm dài bóng xế. Những đứa con trai; gái ai nấy đã yên bề gia thất, sanh cháu chắt đủ để bà cưng nựng sớm chiều, thì chuyện môi mép người đời hơi sức đâu nghe, vậy mà dường như trong lòng bà vẫn nặng mối ưu tư như cắn cơm phải sạn.

Hôm tang lễ cho chồng, có nhiều thân bằng bạn hữu đến chia buồn, chòm xóm kính viếng cũng đông. Ai cũng chú ý đến người con trai đội mũ rơm duy nhất ở nước ngoài về để thọ tang cha. Họ xầm xì chuyện thê tử của anh, người muốn nối nghĩa thông gia với bà quả phụ, họ khen anh đủ điều tưởng chừng kim cương, vàng, bạc không sáng giá hơn anh

– Nè! Bây giờ chỉ còn mẹ thôi đó nha, ráng mà lo tìm ý trung nhân để hầu thân, phụng mẫu đó nha. Người bạn của mẹ anh viếng phúng điếu nói

– Dạ! Con biết. Anh ấy đáp

– Mẹ mày chưa mở miệng hỏi vợ cho, chứ nếu bả hỏi tao ừ liền. Có thằng rễ ngoan hiền như mày tao đỡ lo. Một người dì bạn khác nói theo

– Tui đợi nó ừ một tiếng, là gả con gái cho liền mà chờ hoài mấy năm rồi đó.

Người bạn đạo thân tình của mẹ anh cũng góp lời, còn bà thì cứ nhìn con rồi cười trong ánh mắt ẩn một tình thương vô hạn và chất chứa một niềm mong đợi riêng mang thầm kín. Bà kể lại….

“Hồi đó..Tui dẫn nó đi hành hương mười chùa với mấy bà bạn hàng do thầy Nhuận Đức tổ chức, nó cứ lẻo đẽo theo thầy ngõ ý xuất gia, bởi nó thích nghe và muốn học đánh trống đại hùng. Thầy hỏi nó ngày giờ năm sanh, xong ổng tính nhẩm rồi nói

– Trả hiếu mẹ cha, lo tròn đạo nghĩa phu thê xong tuổi nầy mới xuất gia được. Người sanh vào giờ Hồng Loan dù có căn tu cũng phải gian nan lắm mới tu nổi.

Lúc đó bà Hạnh Tâm nghe được nói vô:

– Đó thấy chưa, lo chuyện trăm năm rồi tu tại gia cũng được mà con.

Tiếp sau là bà Diệu Ngộ nói thêm

– Ai có phần phước tu thì sớm hay muộn là tùy duyên lành khi đến, vội vàng gì con.

– Tui thì như gái nửa chừng xuân, bước tới còn ngại mà dừng thì lo…(bà thở ra, rồi nói tiếp). Nó mới mười chín, hai mươi tuổi nghe nó muốn đi tu không biết nên vui hay buồn”.

Hẳn nhiên, bà cũng muốn vui vì “Nhất nhân chứng đạo, cửu huyền thăng” mà, nhưng với cái cuộc sống ô hợp đổi đời nầy thì làm mẹ có bao giờ muốn con mình khổ hạnh, bà muốn anh vượt biển. Đã đến giờ lễ cúng ngọ cho người quá cố, vị thượng tọa tăng chủ ban hộ niệm dẫn mọi người nhập lễ bằng tiếng khánh ba hồi, mọi người đều vào phụng hương cúng cơm, sau phần cúng trưa có một số khách viếng ra về nên thưa dần, kể cả vị thượng tọa chủ lễ, chỉ còn ban hộ niệm của chùa vài người ở lại. Ai cũng hướng mắt nhìn thằng con trai của bà. Anh ấy vẫn còn quỳ bên áo quan tài.

******

Trở về Mỹ sau mấy năm tang khó, bà gợi ý với con trai.

– Kỳ hạn xả tang nầy, con về bển lo chuyện cúng kiến ở chùa xong, rồi ghé nhà Cậu Đê coi mắt con gái ổng luôn nha. Con nhỏ đẹp gái, nết na lại giỏi; Mẹ chấm rồi, hơn nữa gia cảnh nó khó khăn, thôi thì trước là lấy vợ cho có đôi với người ta, sau là giúp gia đình cậu ấy vậy. Con coi được thì Mẹ lo cho.

– Dạ! để con xem sao..

Lần về quê hương để lo chuyện hương quả cho cha và tang mãn xong xuôi. Anh lấy cuộc hẹn hò với Lành theo ý mẹ. Anh ở nước ngoài về đâu dám lái xe định là sẽ đón Taxi đi gặp Lành sau đó thì ra trung tâm Sài Gòn, rồi thả bộ xem phố xá hay uống nước, nào ngờ cô ấy đã đến trước cửa nhà với một chiếc xe Suzuki Fx màu hồng quân, trông nàng không có chút gì là con gái nhà nghèo cả. Cô ấy trạc mười chín, hai mươi nét dáng nhanh nhẹn, mặt thon gọn trắng hồng có chút trang điểm phơn phớt; tóc xoắn ngắn chạm bờ vai, ăn diện theo thời, áo soa đỏ vái lửng, ngang thắt lưng có cột túm bằng giây nịt nhỏ màu đen, quần Jean nhung thun màu kem ôm bó cổ chân, đi chiếc cao gót. Anh có chút chưng hửng

– Em chào anh, em đến đón anh đi chơi. Lành nói

– Hi! Lành, em tên Lành đúng hông? Anh hỏi lại vì sợ nhận lầm

– Dạ…! anh không khác trong video chút nào, cô ấy cười hi hi

– Video ở đâu mà thấy? Hơn nữa…trong phim có…”trang điểm” Ở ngoài phải xấu hơn chứ; anh nói cho sự ngượng ngùng tan nhanh

– Dạ! hồi trước khi anh về, dì Năm với chị ba Liên có cho xem phim, mấy chị làm phim ca nhạc thấy anh hát “Sương trắng miền quê ngoại” hay thiệt luôn. Mà lúc đó có thấy trang điểm trưng diện gì cho lắm đâu nè. Anh cũng vậy thôi hà.

– Hồi đó mới xa quê nhà, nhớ người thân nên mấy chị bày chuyện ca hát nhép miệng rồi thu hình, chứ có phải hát thiệt đâu, anh cười thẹn

Thấy tình hình bớt bối rối, anh định gợi ý để đem xe của Lành vào sân nhà, anh vói tay mở chốt cánh cổng, Lành như hiểu ý liền nói

– Hôm nay em đến chở anh đi chơi, biết là người ở xa về có còn nhớ đường xá, hàng quán như thế nào đâu mà đi. Anh không ngại ngồi sau em lái thì leo lên đi; cô ấy mỉm miệng cười tinh nghịch.

– mười năm chứ cũng chưa thấy thành phố thay đổi bao nhiêu… ờ..ùm! Để thanh niên ngồi sau, tay chân hay loạng quạng…Lành hổng e ngại gì à?

– Em không có hiền đâu…(cô nguýt mắt nhẹ theo câu nói)

Anh bước ra phía đuôi xe leo lên yên, cái xe đời mới ngồi đằng sau cao hơn người lái nên cứ muốn chúi chúi thiệt là lạ kỳ, anh bắt đầu bối rối hai tay không biết để đâu, còn hai cái đùi kẹp vào yên thì đầu gối chạm hai bên mông của Lành, “Ngày xưa thường chở bạn gái đi học ngồi sau hay thằng bạn học đi chung xe, họ hay ôm ngang eo. Thân thương ôm như vậy là chuyện thường, còn bây giờ mới gặp nhau mà mình ôm kiểu đó chắc có bạt tay ăn quá!” Anh nghĩ trong đầu giây phút lưỡng lự.

– Ngồi cho vững nha, anh lọt xuống đường là em khó ăn, khó nói với gia đình anh lắm á; Lành vừa nói vừa vô số cho xe chạy tới

– Anh vịn eo Lành cho khỏi bị đẩy về phía trước nha, cái ghế nhổng lên kỳ lạ

– Cho đó, mà đừng bóp chặt quá nha, ghế nhổng mà anh đừng…nhổng là được rồi..hihi.

Một câu mà hai ý, anh có chút sượng sùng nên chống hai bàn tay lên đầu gối rồi cố gượng cho đừng bị hấp vô lưng cô ấy, ngồi sau anh đưa mắt nhìn quanh mọi ngả đường, thành phố náo nhiệt quá xe ngược xuôi; còn người băng ngang chẻ dọc đã vậy mà thêm tiếng còi xe kêu ing ỏi làm anh xoay đầu lia lịa, trời dần vào tối càng loạn mắt hơn bởi những ánh đèn đảo chiều lạng lách, anh thầm nghĩ “giá mà mình cầm lái, chắc cũng không đến nỗi nhợn sống lưng!”. Cũng may là đã đến chỗ, cô dừng trước một quán cà phê nhạc ngoài trời, mà đúng hơn là khoảnh sân trong ngôi biệt thự trên đường Hồ Biểu Chánh, quán khá đông người, vừa tìm được một chỗ để ngồi anh nhìn quanh chưa kịp gọi nước thì đã có người bưng hai ly cà phê sữa rồi.

– Em dành (giọng nam rặt) phần chiêu đãi anh, người ở xa về.., chủ nhà đâu để khách ra tay được. Lành ứng lời

– Cảm ơn Lành, hai đứa cùng đi vào. Anh chẳng thấy ai đến chào hỏi, sao biết khách uống gì mà mang ra hay vậy?

– Ở đây họ biết em uống gì, còn lại phần anh thôi, Trên đường đi em có hỏi thường khi anh uống cà phê gì, ai pha cho? Là để biết mà gọi cho tiện mà, khi đến chỉ cần ra hiệu là có liền, hì hì

– Lành rất sáng trí, lại đẹp. Duyên nợ là do kén chọn hay theo ý mẹ cha? Sành sỏi giao thiệp như vậy phải là người lanh lợi lắm.

– Đàn ông các anh khoái nịnh đầm, em ra ngoài thì đời dạy khôn thêm thôi anh ơi.

– Anh mua một cành hồng tặng người yêu đi, mua giúp em đi hoa tươi rói luôn.

Một cậu trạc tuổi mười lăm (15) bưng xô bông hồng đến mời anh mua, Lành liền hỏi anh

– Có nhớ ở Mỹ hôm nay là ngày gì hông?

Anh có vẻ ngập ngừng, không phải vì quên ngày gì, mà là chuyện mua bông hồng để tặng cho Lành, anh làm sao quên được cái ngày này, lễ Valentine cũng là ngày sinh nhật của cháu gái mà anh rất thương năm nào cũng chúc cho nó luôn may mắn, anh trả lời

– Umh! Nhớ chứ! Ngày tình yêu

Xong quay sang cậu bán hoa khoác tay khước từ và vuốt đầu em ấy như một lời xin lỗi, Lành có vẻ bị chạm vào niềm kêu hảnh mà người con gái nào cũng luôn muốn được trân trọng và đòi hỏi người đàn ông thì phải có tính hào hoa, phong lưu. Anh thì nghĩ khác tặng một đóa Hồng cho người con gái cũng ví như “Cho tôi xin tình yêu” mà anh thì dường như chưa vừa ý . Anh cảm thấy lạc lỏng giữa những chàng trai, cô gái và tiếng nhạc sập sình chẳng chút du dương gợi cảm, còn Lành thì ngượng ngùng, có chút hờn vì bất mãn, thỉnh thoảng lại đưa hai tay túm mớ tóc phía ót xong lại rũ ra

– Em và gia đình đời sống ra sao?

Câu hỏi của anh khô hơn sa mạc, có lẽ anh cũng vừa nhận ra cái vô duyên của câu hỏi đó, nên anh tiếp lời

– Xin lỗi! Anh quan tâm quá đáng.

– (mỉm cười) Em đang làm việc trong golf club của người Đài Loan, Ba em không còn sức lao động, nhưng em nghĩ gia đình sống cũng OK với đồng lương hiện tại của em.

– Lành có học qua khóa English à? Nói Ok ngọt lịm

– Dạ không, em biết chút tiếng Hoa, người Đài Loan họ hay nói “Ok” nghe riết thành quen dùng theo.

Sau câu trả lời đó, Lành như bắt được sức bật phá tan lòng mặc cảm, nàng nói tiếp bằng một giọng cao ngạo

– Anh không có người yêu ở đây à!..rồi qua Mỹ năm, sáu năm cũng chẳng có ai sao? Cái mửng nầy chắc khó tánh lắm nha.

– (Cười thật ngượng) Thấy mình nệm êm, chăn ấm mà quên chuyện tìm người phối ngẫu thôi. Anh trả lời, rồi hỏi Lành

– Còn em thì sao?

– Em làm chỗ nầy, cũng có mấy anh đẹp trai, giàu có. Mấy lần muốn xin cưới.., nhưng ba em không thích cho lấy chồng ngoại quốc.

– Nếu lấy anh thì sao?

– Duyên nợ khó ngờ.., thôi để em đưa anh về kẻo người nhà anh lo.

– Anh con trai, chứ có phải con gái đâu!

– Con trai út mà ở Mỹ về nữa, ai mà không lo.

Lành nói xong đứng dậy, anh cũng đứng lên theo. Đến quầy thu tiền anh định trả, nhưng cô ấy không cho còn nói “khách đến nhà không trà, cũng nước” giành đãi. Ra đến bãi giữ xe, anh viết vội mấy lời nhắn người nhà, rồi đưa cho Lành

– Anh muốn ghé thăm người bạn cũ trên đường Thiệu Trị, đi bộ đến đó cũng không xa lắm, cảm ơn Lành dành thời gian riêng cho anh. Hẹn gặp lại nếu có duyên lần sau

– Dạ! Chúc anh chuyến về Mỹ bình an.

Hai chữ “bình an” của Lành chúc, với anh hẳn có nhiều ý nghĩa.., không chỉ bình an theo chuyến bay dài xuyên lục địa, mà bình an như không có chuyện gì vướng víu tâm tư, bình an với người mong đợi tin anh mang về cho mình một thứ hạnh phúc mà ai làm mẹ cũng muốn thấy “Lúc chiều về rợp bóng nương khoai”*. Nắng chiều bao giờ cũng ấm áp không rát bỏng như trưa trời, màu nắng như màu bếp lửa bừng sáng trong đêm, dù có phải tắc ngấm giữa trời đêm định luật, nó vẫn tỏa rộng lên vòm trời như soi đường cho người lỡ bước kịp về.

Anh nắm lấy bàn tay của bà, lòng rưng rưng một nỗi buồn, một ẩn tình anh nhìn thấy được trong mắt mẹ chiều rơi.

Nguyenmk

Bài viết trích trong tập tiểu truyện ngắn “Chân dung Tình Yêu”

*lời bài hát Nương Chiều của cố nhạc sĩ Phạm Duy