Chuyến Đi 32 Năm Trước


Tháng 10 bầu trời đêm luôn đen như mực, trời lại ít mây, đêm thì dài. Có lẽ đó cũng là cái may mắn cho các chuyến vượt biển, tôi cùng ba gia đình đã khởi sự hành trình tìm tự do “tìm sống trong đường chết” không chỉ có đe dọa bởi sóng to, gió mạnh. Sau 6 ngày rời khỏi cửa biển Cần Giờ, lênh đênh trên sóng nước con “tàu” 9 thước mang theo 17 người, phải đối diện với nhiều lần sinh tử. Ngay trong ngày đầu tiên khi ngấp ngưỡng tới vùng hải phận, 7 tàu thiện chiến tuần dương Côn-đảo đã đuổi theo và nã tầm đạn trực diện vào ghe bôn tẩu, tàu chuyển đổi hướng liên tục để tránh đạn, tàu tuần duyên cũng thay đổi giãn rộng đồ hình thành vòng cung, rồi họ nã đạn như nan quạt có lúc rơi rất sát sường, sóng biển có lúc đẩy lên cao con tàu 9 thước đành phải chẻ sóng thẳng và nhiều lần tàu chúng tôi chúi mũi xuống 30 độ tưởng chừng như sẽ cắm sâu vào lòng biển, hấc tung cả mọi người lên, thỉnh thoảng thấy anh tài công gần muốn văng ra xuống biển.

Khi tàu vừa chạm xuống độ sâu thì lập tức bị đẩy ngược lên nghiêng qua lại, chúng tôi bám chặt vào nhau người bìa cùng thì bám lấy thanh sường tàu cho khỏi bị va vào hai bên, nhũng cú nhồi đến thót thắt ruột, hai đứa em gái chủ tàu bắt đầu nôn mửa, còn mấy đứa nhỏ được bảo ôm kín lấy đầu, cuộc rượt đuổi kéo dài hai giờ liền, bổng dưng 7 chiếc tuần duyên đều mất dạng. Phúc họa đôi lần tranh lấy 17 mạng người trong chớp mắt đã qua đi. Thoát hiểm! nhưng cuộc hành trình đã bị lạc hướng vì chỉ biết lách né các đợt sóng úp ghe, lúc nầy đã không còn thấy bóng dáng các tàu duyên phòng của tuần cảnh Việt-Nam nhìn lại chung quanh mênh mông nước. Sau lần đó, tàu mất hướng và phải định vị lại, thì mới biết đã lọt tỏn vào vùng biển tam giác vịnh Thailand, Malaysia và Việt-Nam, tàu trở đầu quay về theo vĩ độ 5 đông, kinh độ 105 nam để đến Malaysia.

Trời bắt đầu dần chiều, thấp thoáng có hai chiếc tàu từ xa như đang tăng tốc đuổi theo phía sau và chiếc thứ 3 bên cánh trái đánh vòng chận đầu, đây là 3 chiếc tàu đánh cá người Malaysia họ chận lại để trấn lột tài sản, khi chúng tôi dừng lại chúng lập tức nhảy chuyền qua uy hiếp buộc từng người sang tàu cá của chúng. Nam thì ra trước tàu đứng, còn nữ thì ra phía sau buồng lái, họ làm gì không biết, chỉ nghe những ú ớ xót xa. Tôi đã thấy những đôi mắt hờn căm, lo lắng của mấy anh đi cùng chuyến, bởi những người nữ đó chính là vợ con, chị em trong gia đình họ. Tôi đơn độc không thân nhân nên khẽ khuyên họ: “dĩ hòa vi quý” để bảo tồn sinh mạng, có lẽ bọn ngư phủ Mã Lai cũng thấy được trong từng ánh mắt rực lửa kia, chúng bước tới trước mặt từng người rồi chậm rãi nói bằng tiếng Việt ngọng đớt: ” cầm lấy.. cắt đầu con cá nầy một dao” loại dao Thái Lan đầu cong dảnh lên, bén lắm ấy vậy mà không ai cắt đứt đầu cá chỉ một nhát dao.

Chúng nó lấy dao lại, một tên trong bọn họ chỉ bổ nhẹ rồi kéo lưỡi dao cong lên thì đã lìa cái đầu cá, chỉ thử sức nhau thế là đủ. Trời có lẽ đang giữa khuya, chúng tôi ngồi co ro có người đã ngủ gục, duy chỉ có hai anh em chủ tàu chỉ gục đầu, hơi thở tủi hận vẫn còn nghe hừng hực. Chợt nghe mấy tiếng dao tán trên thành gỗ tàu cá, bọn cướp biển Mã Lai ra hiệu rời khỏi và trở xuống con tàu nhỏ của chúng tôi. Suốt thời gian máy tàu không chạy nên nước đã ngập lên tới gần đầu gối, máy bơm không chạy được. Sáu người thanh niên chúng tôi phải hì hụt tát nước ra, vài phút sau thì bọn hải tặc mới đưa mấy người nữ mà thể xác chừng như đã rã rời không lê bước nổi để xuống tàu, chúng tôi phải ẵm cõng từng người một, đôi lúc nghe tiếng nghiến răng vì đau đớn. Ba chiếc tàu Mã Lai đã âm thầm mất hút trong đêm, chỉ còn lại cái không gian mịt mùng đen thẫm và một con tàu nhỏ đơn độc trong đêm giữa đại dương bao la.

Anh chủ tàu và hai người từng một thời phục vụ trong Hải quân binh chủng, cố gắng cho máy tàu hoạt động lại, mấy giờ trôi qua đều vô hiệu, đành chờ sáng! Lúc bầu trời ngấp nghé ánh dương, thì anh chủ tàu đã từ dưới nước leo lên báo: “một cánh quạt đã bị đánh gãy mất rồi!” Cũng may là bọn cướp không lấy máy đuôi tôm đặt dưới lòng máy tàu dự phòng. Hải đồ, la bàn, ống nhòm và thực phẩm tất cả đã bị hư hoặc lấy đi, chúng tôi chỉ lái con tàu theo cảm định thường thức phân hướng. Ba ngày tiếp tục lênh đênh sau trận hãi hùng thoát chết, mà hầu hết những chuyến xấu số chìm dưới lòng biển, chúng tôi hoàn toàn vô định và tuyệt vọng khi từng chiếc tàu hàng hải chối từ dừng lại.

Như một trò chơi! khi thì thấy tàu hàng hải chạy đến gần, chúng tôi chạy lại thì họ chạy đi, cứ như vậy cho cả ngày lẫn đêm, trong đêm tàu hàng rực sáng như một tòa nhà vậy mà khi chạy đến bổng nhiên biến mất không để lại một vệt sáng nào kỳ vọng, chúng tôi không ngờ rằng chính sự đuổi theo họ đã làm cạn kiệt nguồn dầu vì chỉ chạy vòng quanh trên cùng một vùng rộng lớn.

Thiếu lương thực và nước uống đến ngày thứ tư, dầu chạy máy chỉ còn đủ để bơm nước cho tàu không bị ngập, trời dần tắc nắng, cái thời gian về đêm trên biển khơi quả thật là nỗi ám ảnh ghê rợn, đêm tối đen mắt nhìn đâu cũng toàn là ảo ảnh lúc ẩn lúc hiện, không trung im lắng chung quanh không thấy gì, vậy mà nghe văng vẳng tiếng còi xe, tiếng chó sủa, tiếng chuông, tiếng mõ cả tiếng kêu la, van lơn rên xiết của nhiều người từ đâu vọng bên tai. Những đêm đầu tiên giữa trùng dương đã nghe như thế, chúng tôi chỉ biết kín miệng nhìn nhau để tránh chuyện “sống linh, thác thiêng” không hay. Anh chủ tàu bắt đầu cáu gắt với hai người lái tàu đã có một thời binh nghiệp hải hành, anh lớn tiếng trách họ:

– Tại các anh hết, đã nói có kinh nghiệm hải quân sao không biết đảo Côn Sơn mà chạy vào. Suýt chút nữa là bị bắn chìm rồi, hai anh nói ẩu không!

– Sóng lớn mà tàu nhỏ nên bị bạt vào. Chứ ai muốn áp sát vào đó làm gì? Anh tài công nói

– Vậy sao lúc cố chạy thoát hiểm, không đưa tàu ra mũi hướng đông nam, lại đâm vô hướng tây nam làm gì để cho bị cướp biển nó hãm hại. Mất chẳng còn gì hết. Chủ tàu nói

– Thì cứ chạy thoát tầm bắn của họ và ra tới hải phận quốc tế rồi thì tính sau, chuyện bị cướp biển chận không chết là may lắm rồi. Anh tài công nói an phận

– Một thời hải quân của anh đó hả?(chủ tàu lớn tiếng hỏi) Đã vậy mà anh không gởi được một tín hiệu nào cấp thiết cầu cứu để tàu hàng hải đón là sao?, kinh nghiệm cái con mẹ gì đâu. Chủ tàu nổi nóng hét lên

Đến lúc căng thẳng nầy tôi không im lặng được nỗi đành lên tiếng trấn áp:

– Hoạn nạn khốn cùng đi vượt biển là chuyện khó tránh, trên tàu nầy có ba gia đình. Chỉ có tôi là một mình, chúng ta đi tìm cuộc sống tự do và còn sống dù tai nạn đã đến. Hai anh gây nhau nếu để sự nóng giận càng thêm lên trên nỗi đau, không khéo sẽ gây ra nhiều mạo hiểm sinh sát. Muốn sống hay chết, muốn chết thì úp tàu đi, còn muốn sống thì im lặng hoặc đi ngủ hết đi… tôi lo chạy máy cho, rồi sáng mai tính cách nào để được cứu.

Không ngờ sau câu nói đó họ không cãi nhau nữa rồi tự động xuống hầm tàu đi ngủ để tôi quán xuyến việc cầm lái, bơm nước. Chưa bao giờ biết lái tàu ra sao, nhưng chỉ giữ cho nó đừng lệnh hướng mũi, cứ nhắm theo chòm sao Nam Tào mà tiến. Trong đầu cứ đọc nhẩm kinh Quán âm cứu khổ cho bớt nghe những tiếng xì xào rờn rợn ma quái bên tai cho đỡ sợ, cái đêm 28 tháng 10 năm đó bị nguyệt thực toàn phần, vầng trăng đỏ lét làm tăng thêm sự khiếp đảm hơn, cứ như ánh trăng đang cơn thịnh nộ chằm chập nhìn xuống biển. Tôi không dám nhìn lên nữa vì đó là lần đầu tiên trong đời được biết trăng bị nuốt, cũng bởi chữ “nuốt” của người lớn mà bị ám tưởng một hung thần nào đó đã ăn trăng. Anh chủ tàu chừng như không ngủ được, muốn leo lên cầm lái cho tôi đi ngủ.

– Anh xuống dưới ngủ đi. Tôi cầm lái cho

– Tôi chưa buồn ngủ anh Phương!

– Vậy tôi ngồi chơi với anh cho đỡ buồn, tôi cũng bị nhiều thứ trong đầu không sao nhắm mắt được ( anh ta thở ra thật dài mệt mỏi)

Anh ấy đến ngồi cạnh bên, cách cần lái, tôi choàng tay quăng phủ tấm mền lên người anh chủ tàu che chung ấm, khoảnh khắc im lặng của chúng tôi như cùng thấu một nỗi niềm chưa rõ tương lai, chỉ biết chờ khi trời sáng. Hơi ấm của hai người đã hòa lẫn vào nhau, tôi nghe được cảm xúc nghẹn đau có lẽ từ trong trí nhớ của anh ấy

– Có muốn tâm sự gì thì anh Phương cứ nói ra, đừng để cảm xúc bị đè nén không nên. Tôi ôm vai anh ta vỗ nhẹ, ngập ngừng thật lâu anh ấy nói

– Nếu được cứu vớt.. khi tới nơi tự do.. chuyện cướp biển làm ô nhục các em tôi… xin anh..

– Tôi sẽ xem như không biết gì, anh yên tâm, tôi đáp lời

– Hồi chiều tôi thật bối rối vì không có con tàu nào chịu dừng lại, mấy em tôi kiệt quệ lắm rồi. Còn tàu của mình thì cứ như lọt vào tử địa, không tiến được tới đâu, nhiều dấu hiệu xấu.. tôi đâm sợ

– Anh Phương cũng thấy à! những mảnh ván, thùng nước, giấy, băng lỉnh kỉnh cứ trôi như vây quanh à? Thật sự tôi cũng hơi lo sợ vì mọi thứ cho thấy có tàu nào vừa lâm nạn, điều mà tôi thấy rùng mình chính là chạy mãi vẫn thấy chúng như chẳng hề chạy đi xa

– Tôi cũng nghĩ vậy! Đâm lo nên nổi nóng

– Thôi! hai lần minh gặp nguy hiểm mà không chết, cầu mong được cứu. Anh ngồi đây cầm lái, tôi đi thắp nhang cho tàu bình an.

Nói xong tôi đứng dậy đến bàn thờ thiên, rút 6 cây nhang đốt lên khấn thầm: ” Con kính lạy chư hiền thánh, bồ tát Quán âm nam hải, Long vương đông hải cùng các vong linh uổng tử trên biển, vì con là người phàm mắt thịt không thấy họa phước gần xa. Kính xin chư vị mở lượng hải hà từ bi hộ độ dẫn đường chỉ lối cho chúng tôi 17 người đi đến bờ tự do được bình an, con xin được trì chay 3 tháng”. Xong xá lạy 4 phương rồi cắm 1 nhang đằng mũi, 4 nhang hai bên thành tàu và 1 nhang ở đuôi tàu, cái trời đen nghịt có vòng tròn đỏ thẩm nhìn thật ghê rợn, không muốn nhìn mà mắt cứ trông lên. Trời lại bắt đầu ửng hồng, em trai chủ tàu lò dò bước lên, anh đi men thành tàu đến gần đuôi để tiểu tiện, xong anh đi vòng qua phía bên hong kia bổng anh hốt hoảng la lên:

– Có hai cái gì đó to lắm, đen ngòm đang cập vô tàu mình đó anh Phương

– Đừng làm động tiếng, có thể là cá ông! la hoảng, có thể làm động cá ông đông hải bỏ đi, có lẽ hai ông đưa tàu mình vào gần bờ đó, tôi lên tiếng

Quả đúng là như vậy, tàu đã không chạy máy vì cạn dầu, nhưng vẫn tiến về phía trước, anh chủ tàu thì không giữ cần lái chỉ bó gối buông xuôi mà nó vẫn thẳng không lệch vị. Cả ba người chúng tôi ngồi im theo dõi, trời sáng hơn hẳn đủ để thấy chút gợn mây mỏng, bổng dưng tàu lướt nhanh một cách kỳ lạ rồi cặp cá bên hông cũng mất dạng. Tôi nhìn lên trời có mây gần như ngủ sắc mỏng manh tựa nét họa bằng bút mực tàu có hình giống Phượng bay, một cảm xúc mê tín bừng lên, tôi chấp tay khấn cầu “Nếu phải là điềm lành ứng cứu! xin cho con chọn mỏ linh Phượng hồng làm phương hướng đi tiếp, nam mô Quán âm Nam Hải.. nam mô Long Vương đông hải”

Từng người đã thức dậy bước lên trên, không ai có nổi một nụ cười dẫu biết mình còn sống. Anh Hải, anh Lâm và anh Quang thì cố lục lọi xem còn gì trong tàu, lương thực đã ướt nhem meo mốc, chỉ còn lại gói thuốc lá mà hầu hết cũng ướt. Anh Hải nói:

– Chỉ còn được hai điếu thuốc, mấy anh em mình hút chung nha.

– Xuống dưới xem dầu còn đủ chạy máy thêm bao xa, cho máy nổ mình đi tiếp. Anh chủ tàu bảo em trai mình.

Nắng đã thật lên cao hơn mặt nước cả 10 thước, áng mây màu cũng mờ nhạt dần, nhưng vẫn còn nguyên hình Phượng bay, tiếng máy đuôi tôm nổ lách tách, chị dâu của anh Phương bế con trai từ hầm tàu bước lên trên ngồi hong nắng, mấy thằng nhóc cũng lẻo đẽo lên theo, chỉ có mấy đứa con gái và vợ anh Quang vẫn nằm dưới hầm. Tàu chạy được một quãng rồi ngừng lại mất hướng khi áng mây đã thay đổi hình dạng và tan dần, những thứ trôi lềnh bềnh hôm qua bỗng lại xuất hiện, dường như tàu vẫn còn chạy quanh trong cung tử lộ. Nỗi tuyệt vọng lo âu trên từng nét môi người mím chặt, anh Hải bảo:

– Lấy vỏ xe chêm trước mũi tàu đốt lên đi, làm tín hiệu cấp cứu. May ra có tàu hàng nào thấy được, dẫu họ không cứu cũng báo tin cho tàu khác

Em trai chủ tàu và tôi tìm cách tháo vỏ xe ra và dùng vải thấm dầu rồi cho vào thau nhôm mà đốt, còn anh Hải và anh Lâm thì tìm nhớt đen viết chữ “S.O.S” treo lên cột cờ trên nóc tàu. Rồi từ đó mỗi người riêng mang tâm trạng u uẩn thầm kín trong ý nghĩ cuối cùng. Nắng đã ở đỉnh đầu, vỏ xe cũng đã cháy yếu ớt khói đen không còn nhiều và cao, cái hốc hác vì đói khát lại cộng thêm lo sợ gương mặt mọi người như gỗ xám lâu năm. Hổng biết họ nghĩ gì, nhưng tôi thì vẫn thầm niệm “kinh cứu khổ” đầu gục lên hai cánh tay ôm gối, những người nằm ngửa mặt lên trời gạt lệ. Bổng có tiếng reo lên của thằng nhóc con anh Quang – Con thấy có chiếc tàu đang tới kìa ba.

Thằng nhóc đứng chỉ tay về phía sau đuôi tàu, quả là thật không phải ảo ảnh. Một chiếc tàu hàng to lớn hiện rõ, trước mặt mọi người là những thủy thủ trên boong đang nhìn xuống, nước mắt chúng tôi rơi nhiều hòa mặn vào muối biển, niềm hồi sinh nẩy nhánh vươn lên. Tôi chỉ thốt lên một câu: ” Mẹ ơi! Con còn sống”. Những người thủy thủ ra hiệu bảo bình tỉnh bằng nhịp bàn tay lên xuống nhè nhẹ, họ tìm cách cập lại gần và tránh không cho sóng mạnh có thể đánh vỡ tàu chúng tôi, xong họ quăng thang dây cho chúng tôi bắt lấy cùng mấy cái phao đặc biệt chống va chạm vào lườn tàu. Thấy tàu sắp áp sát sợ bị đập mạnh, phản ứng vội tôi định dùng chân đạp cho tàu mình trở ra, mấy anh thủy thủ Nam Dương cũng hốt hoảng la lên “No! no..no” và như chợt biết mình đã tính làm một điều dại dột. Họ leo xuống đưa người lên từng lần một, mấy đứa em gái của Phương phải dùng võng băng ca kéo lên, tôi là người cuối cùng rời khỏi con tàu bé nhỏ, 17 người đã kết thúc hành trình băng ngang “cái chết để tìm sống” 29 tháng 10 -1985. Viên thuyền trưởng chiếc tàu hàng hải Nam Dương nói với thủy thủ của ông ta lấy theo cái máy đuôi tôm để làm vật kỷ niệm và đâm thủng chiếc tàu 9 thước đã vượt nguy nan cùng chúng tôi, sau đó ông cùng mọi người kể cả chúng tôi đứng chào vĩnh biệt chiếc tàu nhỏ bé ấy, nhìn theo con tàu từ từ chìm xuống đáy đại dương mà lòng thấy bùi ngùi chi lạ.

Sau khi vớt mọi người an toàn lên tàu Majapahit, chúng tôi được lập danh sách trước khi cho tắm rửa sạch sẽ, trên tàu phòng tắm rộng và đầy đủ tiện nghi có cả nước nóng. Tôi thích thú tắm gội thỏa tình, ai nấy đã xong thay đồ đứng trên boong ngắm biển, ngày đi vượt biển không được báo trước và anh Quang chỉ đến gọi đi thì lên đường, vừa từ chỗ làm về chưa kịp thay aó quần, thì mẹ biểu chạy đi gặp chủ tàu đang đợi ở ngã tư đường Nguyễn-thiện-Thuật với Phan-đình-Phùng. Vậy là đi chỉ một bộ đồ dính thân, tôi rón rén mở cửa phòng tắm để lấy bộ đồ cũ để mặc lại, trời đất nó đâu mất tiêu rồi, đành đứng khoanh tay trong phòng tắm chẳng biết cách gì hơn.

Độ một lúc lâu, có người mở cửa buồng tắm, anh ta trố mắt nhìn tôi chầm chập từ trên xuống dưới mình trần như nhộng, rồi như cũng chợt nhớ điều gì, anh quay lưng lại nói lớn như thông báo với người thủy thủ khác, trông nét mặt anh vui đến như được quà vậy. Anh ấy gọi anh Hải đến thông dịch

– Sao không thay đồ đi ra ngoài? Họ hỏi

– Dạ! em chỉ có một bộ duy nhất để trước phòng tắm, không biết đâu mất rồi. Tôi trả lời

– Chúng tôi xin lỗi vì đã quăng nó xuống biển rồi, lý do vệ sinh phòng dịch trên tàu hàng hải, viên thủy thủ ấy nói

Lúc đó có mặt của cả hai vị thuyền trưởng và thuyền phó con tàu, họ nhìn tôi rồi bảo người thủy thủ mang cái áo thuyền trưởng và cái quần thuyền phó tặng cho tôi, xong họ còn nói đùa

– Vậy là anh được nhận ở lại trên tàu làm tùy viên cho chúng tôi. Tôi là thuyền trưởng Pakasi.

aothuyentruong

Ông đưa tay bắt lấy tay tôi, nỗi cảm xúc trong lòng dâng lên tột độ.

Bài viết kỷ niệm 32 năm tìm tự do 30/10/1985-30/10/

Nguyenmk