49 năm “Kinh Khổ”


49 Năm Kinh Khổ!

Kinh Khổ của Trâm tử Thiêng.

Những dấu ấn lịch sử của chiến tranh bao giờ cũng là nỗi đau và muôn điều để chiêm nghiệm về số phận con người.

Nhắc đến dấu ấn, thì cái năm, tháng là hình ảnh mà thời gian được ghi trong từng trang ký ức của mỗi người và hẳn nhiên nó đã thành lịch sử. Không ít những sử gia, họ làm việc ghi lại những sự kiện thường không bằng khối óc công tâm vô tư và rất ít họ đứng bên cạnh những thương sâu để viết, do vậy cái nhìn của họ cũng rất đậm tính tổn thất về người và vật chất.

Riêng người nhạc sĩ thì không, họ cũng viết sử, nhưng lại diễn đạt một ý niệm bằng tiếng cảm thông, không trách oán bất kỳ thể chế hay cá nhân nào làm nên những bi thương.
Năm 1973, có thể nói là nhiều dấu ấn khủng hoảng hầu như khắp nơi trên thế giới.

Chỉ nói riêng cuộc chiến Việt Nam, hàng trăm ngàn người di tản về nơi hưu chiến, họ phải vượt trên từng con đường khói lụa nguy nan từng vùng đổ nát còn lưu lại để tìm về xóm cũ, khi giải pháp tạm đình chiến ký kết được thi hành ngày 27/01/1973. Mà trước đó là từng đoàn người lũ lượt kéo nhau rời đất cắt rốn chôn nhau. Họ đã nếm đủ hương vị chua cay, lẫn vật vờ thể trạng tử biệt sanh ly dài theo thiên lý để tìm con đường sống, họ kinh qua sự hãi hùng ngay trong từng hơi thở, mồ hôi đắng cùng máu mặn đổ nhòe bao mọi góc mắt nhìn quanh trên đường di tản.

Nhạc sĩ Trầm tử Thiêng đã định hình từ bao thống khổ ấy để kết lại thành lời ca và tiếng nhạc, ông chấp bút cho tên bài Kinh Khổ mà tự nó như một điển tích về vận mệnh của người dân Việt đã kinh qua cũng như men suốt theo lịch sử triền miên tan tác.

(Trích lời ca:
“Mẹ ngồi nguyện cầu hằng bao đêm, lời kinh vọng xa thật êm đềm.
Mẹ cầu cho con, vượt qua ngày tròn. Mẹ cầu cho em tuổi trời xanh đừng biến mất”- hết trích)

Người “Mẹ Việt Nam” tiếng nguyện cầu ri rí trên môi khô, trong từng bao đêm gom góp lại thành lời kinh vọng xa, ông không dùng từ nào khác để diễn tả âm ba khấn hứa dù lòng người mẹ có não nề lo âu đến chừng nào thì khi dâng nguyện cũng trở nên hiền dịu thứ tha, và đó chính là cái giải tỏa trong lòng Mẹ trải rộng nên tự nó  “vọng xa thật êm đềm.”

(Trích tiếp theo:
“Người về một ngày một lưa thưa. Người đi càng đêm càng đông dần, từng dài âu lo, từng quen đợi chờ. Mộng thật cam go, miễn là hai niềm đau thành nụ cười”- hết trích)

Khi chiến tranh người trở về từ chiến trường trong bọc lịm quả thật rất lưa thưa từng ngày, và cũng trong đôi mắt của từng bà Mẹ lại thấy sự vắng ngắt của những người thân khi đêm về, thì trong mắt ông như chỉ thấy gom lại  những người đã phải lên đường nhập ngũ, ra đi như càng đêm càng đông dần.

Dù vậy nhạc sĩ vẫn cho ta nhận thức sâu hơn nữa đó những gì trải qua thì Mẹ cũng đủ sức thấm đẫm bằng câu: “từng dài âu lo, từng quen đợi chờ”. Cho nên cái mong mỏi là miễn sau những thứ đó dù phải chịu đựng cho mấy mà kết cuộc nó “biến thành nụ cười”, là cũng đủ.
Vâng, đó chính là ngày mà giải pháp của chiến tranh kết thúc đem lại Hòa Bình tạm lắng.

(Trích điệp khúc:
“Xin cho Me, tròn lời kinh đêm nay, người sẽ về trước khi mẹ khuất núi. Xin cho Me, ngoài trời im kinh động, người sẽ về dù rách rưới tả tơi”- hết trích)

Nhạc sĩ đã dùng từ chuẩn mực diễn đạt khi xin ân sủng của Thượng đế là: “Xin cho Mẹ, ngoài trời im kinh động”.
Vâng, đừng để cho Mẹ phải nghe tiếng sét đánh ngang tai về tin vắng số của những đứa con yêu thương của mình trong lúc tiếng súng tạm ngừng vang, theo như lời hứa “người sẽ về, trước khi  mẹ khuất núi”
Những người trai gái ra chiến trường, họ cũng mong ước được thanh bình để về bên Mẹ, bên gia đình, dù cho có phải mất đi mấy phần thân thể mà ông đã nhìn dưới con mắt người nhạc sĩ giấu nghẹn qua thi ca, để bớt phần đớn đau cho “dù rách rưới tả tơi”. Chỉ có thế thôi.

Không phải ông không thấy những nghiệt oan như nhạc sĩ Trịnh công Sơn đã viết: ” Một chiếc xe tang, trái mìn nổ chậm. Người chết hai lần thịt da nát tan”. Bi thảm quá chỉ đau thêm cho những người sống, làm mất nhiều sĩ khí trước vận rủi của quê hương.

(Trích thêm:
“Người về một giờ, một đông thêm. Người đi càng giây càng thưa dần. Rời ngày sinh ly, rời đêm tử biệt. Còn lại hôm nay với vòng tay tình yêu người và người”- hết trích)

Khi hiệp định đình chiến được vãn hồi, thì người di tản cùng lũ lượt kéo nhau về, người thương binh và tù binh cũng được giải ngũ hai tiếng sinh ly và tử biệt ngày đêm cũng dần xa trong lời ca thán trên môi, nhường cho lời ca tụng yêu thương giữa những người thân quen.

Trong phần hai lời ca, nhạc sĩ đi thẳng vào vấn đề, như để nhắn nhũ hay đúng hơn ông muốn kêu gọi lương tâm những ai là “kẻ thắng cuộc”, của từ chính ông hay của những bà Mẹ hằng đêm nguyện cầu.
Trong chiến tranh, cái bẩn thỉu nhứt không phải bom đạn khí giới phanh da xé thịt con người, mà đó là chiêu bài tuyên truyền, cái được gắn tên mỹ miều là “tâm lý chiến” nhằm buộc tội, đổ lỗi cho đối phương, làm nghi hoặc niềm tin gây nên thù hận bên nầy, bên kia. Để rồi những người dân vô tội sống còn phải gánh lấy những tổn thất do sự tàn nhẫn của cả hai phe.

(Trích:
“Lời nguyện cầu nầy dành cho nhau, từ khi loạn ly vào đêm đầu. Tình người tiêu hao, niềm tin bội bạc. Gà giục sang canh, mãi ngoài hiên đầu tơ tròn tiếng gáy”- hết trích)

Vâng! Nhạc sĩ cũng điểm cho thấy rằng cái hòa bình chỉ mới hình thành như gà trống non tơ thấy bóng dáng ngày mới tập tành tiếng gáy đón bình minh thôi. Và, khi nắng thanh bình lan tỏa, thì gà đập vỗ cánh cho sương ướt trên lông tan rơi đi, cho nên ông mới sáng tác là:
(Trích tiếp
“Lạnh lùng một ngày một qua mau, lời kinh mù sương mờ trên đầu. Mộng chờ sau đêm, ngày mai thật lạ. Thù hận anh em bỗng nhìn nhau, gọi nhau thật đậm đà”- hết trích)

Lời khẩn khoản van lơn của Mẹ hằng đêm thành lời kinh, vốn chỉ như sương ám đêm trường, rồi ngày cũng sẽ dần tan phai. Nhưng ao ước vẫn là cơn mộng mị mà sau khi “hoàn hồn” được nhìn thấy sự diệu kỳ giữa tình đồng bào huynh đệ chan hòa thêm hơn.

Buồn thay ở điệp khúc lời hai như một điển tích báo trước, nên ông viết lời có phần oan khuất chưa vơi
Ông Trầm tử Thiêng, ông đã thấy gì trong cái bóng dáng lịch sử qua bao kỳ thời thế! Có lẽ điều mà ông thấy rằng bên thắng cuộc xưa nay. Đúng, các bà mẹ Việt Nam xưa nay vẫn khấn nguyện nghìn năm qua, chẳng bao giờ xa lạ nữa khi có bên nầy hay bên kia chiến thắng.
Nên ông vẫn viết.
(Trích điệp khúc:
“Xin cho me, tròn niềm tin đêm nay, người sẽ về trước khi trời bủa tối. Xin cho me, một giờ im kinh động, người sẽ về dù rách rưới tả tơi.”- hết trích)

Những người thua trận bên nầy chiến tuyến, họ bị tập họp lại, theo lệnh giải giới, giam cầm và truy sát, nên e sợ Mẹ lại không tròn lời nguyện cầu đêm nay và liệu những người con có sẽ về nhà trước khi trời sụp tối.
Lại một lần khẩn khoản với cao sanh đừng để tiếng sét đánh ngang tai mẹ, thêm một giờ cho đủ niềm tin hy vọng, và để người còn có thể thêm một giờ bình yên cho thêm đứa con vẫn sẽ trở về sum họp gia đình, dù cho lắm bệnh ngặt tật nghèo sau năm tháng cùm gông, đày đọa. Điển tích ấy quả thành hiện thực, khi mà cuộc chiến tranh tan rã vào những năm sau 75.

Trong lời ca Kinh Khổ, được nhạc sĩ thi triển đáo tứ ngoạn mục lượt đi, lượt về như một điềm chỉ báo ứng cái tương lai một nửa phần dân tộc trên dãi đất Việt Nam.
Khi cuộc chiến tham ác dai dẳn đã ngừng thật sự, thì hận thù chồng chất tàn nhẫn lại dâng cao. Kẻ chiến thắng càng thêm hung hiểm kiêu binh. Người lưu vong lại tiếp nối ra đi xa quê, bỏ xứ.

47 năm xuôi thời gian theo trôi vận nước, mà vẫn còn “người đi càng đêm càng đông dần”. Họ đi bằng mọi giá, với mọi hình thức, dù có bao nhiêu “từng dài âu lo”, thì họ cũng cố gắng chịu đựng để “từng quen đợi chờ ” và nếu được phỏng vấn chấp thuận lên lịch trình thì “miễn là hai niềm đau thành nụ cười” là đủ rồi.
Và “một thời điêu linh, một phen hoạn nạn”. Bây giờ thì chỉ “còn lại hôm nay” là những lời “kinh” cầu xin “tình yêu đầy nhiệm mầu”

Tất nhiên cái tình yêu đầy nhiệm mầu đó, phải đến từ Thượng đế.
Cũng tất nhiên nó là thứ tình yêu không gắn bất kỳ thứ khẩu hiệu “chủ nghĩa” nào có chứa đầy bịp bợm, trân tráo.

Nguyenmk
4/08/2022
(Kỷ niệm 49 năm ngày phát hành bài hát Kinh Khổ của nhạc sĩ Trầm tử Thiêng).

Sau phần bài viết Nguyenmk xin mời các bạn đọc nghe xem video tấu khúc bằng Ewi solo bài nhạc Kinh Khổ nha, chân thành cảm ơn. Chúc tất cả quý vị mãi an lành và vui khỏe.

2 thoughts on “49 năm “Kinh Khổ”

  1. Pingback: 49 năm “Kinh Khổ” – Nguyenmk – biển xưa

Bình luận về bài viết này