Ta lắng nghe ta


“..🎶 Đôi khi ta lắng nghe ta..,🎵 nghe sóng âm u dội vào hồn buốt giá🎶. Hồn ta gió cát phù du🎵 bay về🎶”

Đó là một phần lời trong điệp khúc bài hát Tình xa của nhạc sĩ Trịnh công Sơn, lẽ ra thì phải ghi thêm chữ “cố” vì ông giờ đã đi vào bến bờ thiên cổ. Nhưng! Tất cả ca khúc của ông còn sống và chắc chắn vẫn sẽ sống đến thêm nhiều thập kỷ. Âm nhạc chính là cái hồn của người nhạc sĩ ấy, bởi lẽ khi viết ca khúc họ đã dùng rất nhiều khoảnh khắc ” Ta lắng nghe ta”, nghe cái buốt giá không phải lạnh vì Đông, nghe gió cát bay về không phải từ vùng sa mạc của những trận cuồng phong, mà là thứ “cát phù du” từ vòng bụi hư vô xoáy mòn sinh diệt. Đã sinh ra trong trời đất nầy có ai thoát khỏi được cái vòng “gió cát phù du” và như thế người nhạc sĩ đã trút hết tâm, trí của mình vào các ca khúc mà khi hát lên thì hồn ta cũng lắm lúc “réo sầu bên bờ vực sâu”. Cái thân xác ông có lẽ giờ đã rả mục, mà hồn ta và “hồn ta” của người nhạc sĩ đang ở chung một tần số rung động, ta còn sống, thì hồn ông ấy làm sao chết được, cho nên thêm chữ “cố” ở đầu từ ‘nhạc sĩ’ xem ra chẳng đúng lẽ.

Bài viết nầy không chủ ý ca tụng ông nhạc sĩ họ Trịnh kia, cũng không phải để tán dương ca từ của ông ấy, người có đôi bàn chân đi trên hai dòng nghịch cảnh và một luồng suy tư “lặng lẽ nơi nầy”. Bài viết chỉ nhắm đến cái khoảnh khắc ngược chiều: Ta lắng nghe ta.

Để được lắng nghe chính mình và nghe gì khi ta nói với ta, không biết có bao nhiêu người tự nhủ: “Đời ta có khi là đóm lửa..” chỉ là một đóm nhỏ nhoi, mới nghe qua tưởng chừng vô hiệu, yếu đuối sắp tắt hay mau chóng lụn tàn, nhưng lại quên đi nó có tên chính danh của nhóm ngũ hành sinh diệt. Mỗi thôi thúc trong “Ta” có thể bừng phựt mảnh liệt đến cháy rụi địa cầu nầy, chỉ chừng ấy đời ta có khi.

Đời người như pho kinh khó giải, ngay cả chính mình, bản thân họ cũng chẳng thể hiểu nổi điều gì khiến họ phải đeo mang cái dòng sinh mệnh lắm sự trầm luân oan phiền, tiếng khóc, cười tiếp nối theo nhau cho đợi đến khi “.. thấy trăm nghìn nấm mộ..” mới nghiệm cái vô thường, để rồi nhủ lòng phải có “..đôi lần khép cửa..,” thì không biết lần nào mới thật sự “ta lắng nghe ta”. Chỉ lắng nghe thôi, chứ không cần phải hỏi. Bởi từng câu nói ở trong ta là: “.. Từng cánh buồm giong cuối trời..” khi chính mình đã hiểu được ta, rồi sẽ an nhiên lắm, tự tại với từng ngày trôi.

Không cần phải hỏi, bởi tất cả chỉ có một lời giải từ những giây phút đầu đời lọt lòng khi nằm mà “.. dưới vòng nôi là từng nấm mộ..!” Thì, một cõi đi về chừng như đã định trong cái ngũ mệnh hành cung Hỏa-Thổ-Mộc-Kim-Thủy rồi.

Lắng nghe ta ở một tần số nào đó trong cái hồn xác vay mượn, thì có thể nhận ra rằng điều tất yếu là: “Của thiên trả địa” thế mà ta vẫn đã ôm giữ như của mình suốt “.. bao nhiêu năm làm kiếp con người..” tiếc nuối với cái mất còn buồn, vui lẫn lộn để rồi không phân biệt được “.. tiếng động nào gõ nhịp không nguôi..”. Chỉ có thể được khi “ta lắng nghe ta” một cách tinh tường nhứt đó là: không phải những giây phút “.. úp mặt bùi ngùi! Từng ngày trôi, mỏi ngóng tin vui..”. Bởi lẽ! Cái tần số âm ba vang vọng trong lúc ấy mà ta đang lắng nghe ta, chính là những vọng động “.. từ vực sâu, nghe lời mới đã dậy..!” chực chờ ta như đòi nợ mong “.. cho trăm năm vào chết một ngày..”. Ta lắng nghe ta như đang đi vào thiền, mà không như những thiền sư. Bởi họ phong kín chơn tâm để nhíp cái lấy pháp không sinh diệt, để đạt ngộ cái tướng bất hoại Kim Cang.

Họ tìm cách lấy cái “ta” ra khỏi mình thì đâu cần phải lắng nghe ta. Ta lắng nghe ta để “.. có biết gì về ngày chưa tới..” cũng để lắng “.. nghe tiền thân về chào bóng lạ..” biết đâu cái bóng ấy lại là chính mình hay ai đó trong đời ta đã gặp “..từ vườn khuya bước về..” để không phải vấp lên những điều oan trái, chấp cố, si mê “.. trả lại từng tin vui cho nhân gian chờ đợi..”. Và! Cũng cần nhiều đôi lần khép cửa để ta lắng nghe ta khi mà “.. từng tuổi xuân đã già..” khi mà bao nhiêu tham vọng của “.. đời người như gió qua..” thì cũng là lúc mình sẽ nhận ra “.. đời trổ nhánh hoang vu..” với từng “.. nhịp tim đập lời hoang phế..”. Ta chỉ mãi còn nghe lời “Cỏ xót xa đưa” dưới ngọn đèn một bóng.

Bài viết có nhiều câu trong ngoặc kép và đậm chữ là được trích ra từ những bài hát của nhạc sĩ Trịnh công Sơn như:

– Tình xa

– Đêm thấy ta là thác đổ

– Cát bụi

– Phôi pha và Cỏ xót xa đưa.

Nguyenmk

08/18/2k17

Bình luận về bài viết này